Phật tánh có 3 nghĩa :
- Nghĩa sơ cấp : là tánh thiện.
- Nghĩa trung cấp : là tánh giác.
- Nghĩa thượng cấp : là tánh không.
Nơi mỗi chúng sanh đều có sẵn phật tánh ấy nhưng vì bị vô minh che lấp cho nên phật tánh ấy chẳng được hiện bày.
Do đó, phát sinh vọng tưởng phiền não và nghiệp chướng khiến chúng sanh phải bị trầm luân nơi khổ hải.
Mục đích tối thượng của bậc chơn tu là phục hồi phật tánh ấy tức là "Minh tâm kiến tánh". Khi chơn tu đắc pháp tức là đã phục hồi phật tánh thì chấm dứt mọi vọng tưởng và phiền não nghiệp chướng, hoàn toàn giải thoát. Lúc bấy giờ thân tâm lúc nào cũng được an vui, thanh tịnh cho nên gọi là đắc niết bàn.
Trong phật tánh gồm có 3 phần :
Thể : Định
Dụng : Huệ
Tướng : Bi
Thể, dụng, tướng ấy gọi là tam thân.
- Thể là thanh tịnh pháp thân.
- Dụng là viên mãn báo thân.
- Tướng là thiên bá ức hóa thân.
Do đó, khi phục hồi phật tánh sẽ đầy đủ tam thân.
Từ tam thân xuất sinh hằng sa diệu dụng công đức pháp lành. Do đó, khi hành giả đắc pháp viên mãn đạo hạnh phật tánh ví như mặt trăng đêm rằm tròn sáng, còn vô minh ví như làn mây đen che ánh mặt trăng khiến cho bầu trời tăm tối.
Khi phật tánh bị vô minh che lấp thì tâm sinh phiền não, thân tạo nghiệp chướng tội lỗi, ví như đêm rằm trăng sáng mà bị mây che thì có nhiều trộm cướp nổi dậy phá xóm làng, nhiễu hại dân lành.
Khi mây tan trăng sáng bầu trời quang đãn, trộm cướp liền ẩn dạng biến mất. Cũng thế khi vô minh tan hết phật tánh hiện bày thì phiền não nghiệp chướng tẩu thoát không còn. Thân tâm hoàn toàn an vui thanh thản trọn lành.
Nhưng vô minh là gì ?
Làm cách nào để tận diệt vô minh và phục hồi phật tánh ?
Vô minh nói chung là tất cả những mê chấp của chúng sanh, chung qui không ngoài 3 thứ mê chấp căn bản :
1/- Chấp ngã.
2/- Chấp pháp
3/- Chấp không (chấp tướng).
Từ 3 thứ mê chấp đó sanh ra hằng sa mê chấp khác, hành giả chỉ cần tận diệt 3 thứ đó thì dứt hết mọi mê chấp và hoàn toàn diệt tâm vô minh. Phật tánh lúc bấy giờ được hồi sinh hiện hành viên mãn.
Cho nên có câu : "Mây tan vần nguyệt rạng
Nước cạn trái châu bày".
Ba thứ mê chấp ấy gọi chung là tam chướng. Vì hay gây chướng ngại trên bước đường phản bổn hoàn nguyên "phục hồi phật tánh".
Chỉ thẳng cách để diệt trừ vô minh trong thiền tông có một pháp mầu mà chỉ có minh sư mới thủ đắc mà mật truyền cho cao đệ.
Đệ tử ưu tú gọi là "Tâm ấn Như Lai".
Nhưng trước khi mật truyền tâm ấn cho cao đệ, thiền sư thường cho lội qua 6 dòng nước, nhảy qua 7 lò lửa, bay qua 8 bát phong thì mới đủ điều kiện để thọ trì "Tâm ấn Như Lai" và hoằng khai diệu pháp báo đáp tứ ân, cứu nhân độ thế, phổ tế quần sanh, hoàn thành bi nguyện.
Để trợ duyên pháp tử khỏi bị chìm sâu trong 6 dòng (lục thủy), bị cháy tan trong 7 lò lửa (thất hỏa) và tan xác trong 8 ngọn gió (bát phong).
Thiền sư truyền trao công án cho pháp tử gọi là 2 phao nổi để lội qua lục thủy, đôi thiết hài để nhảy qua thất hỏa và cặp cánh thần để bay qua bát phong.
Lội qua lục thủy thì được lên bờ giác.
Nhảy qua thất hỏa thì được vào nhà giải thoát.
Bay qua bát phong thì được về non niết bàn.
Công án ấy gọi là pháp mầu trợ đạo.
Còn tâm ấn gọi là pháp mầu ngộ đạo.
Sau khi hành giả tu thiền đã đạt đến tứ thiền thì mới được minh sư trao truyền công án. Để dọn mình thọ trì tâm ấn như lai diệu pháp.
Trường đồ tri mã lực
Tố cựu biết nhân tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét