phat-thich-ca

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

PHẬT TÁNH

Phật tánh có 3 nghĩa :
- Nghĩa sơ cấp         : là tánh thiện.
- Nghĩa trung cấp     : là tánh giác.
- Nghĩa thượng cấp  : là tánh không.
Nơi mỗi chúng sanh đều có sẵn phật tánh ấy nhưng vì bị vô minh che lấp cho nên phật tánh ấy chẳng được hiện bày.
Do đó, phát sinh vọng tưởng phiền não và nghiệp chướng khiến chúng sanh phải bị trầm luân nơi khổ hải.
Mục đích tối thượng của bậc chơn tu là phục hồi phật tánh ấy tức là "Minh tâm kiến tánh". Khi chơn tu đắc pháp tức là đã phục hồi phật tánh thì chấm dứt mọi vọng tưởng và phiền não nghiệp chướng, hoàn toàn giải thoát. Lúc bấy giờ thân tâm lúc nào cũng được an vui, thanh tịnh cho nên gọi là đắc niết bàn.
Trong phật tánh gồm có 3 phần :
Thể      : Định
Dụng    : Huệ
Tướng  : Bi
Thể, dụng, tướng ấy gọi là tam thân.
- Thể là thanh tịnh pháp thân.
- Dụng là viên mãn báo thân.
- Tướng là thiên bá ức hóa thân.
Do đó, khi phục hồi phật tánh sẽ đầy đủ tam thân.
Từ tam thân xuất sinh hằng sa diệu dụng công đức pháp lành. Do đó, khi hành giả đắc pháp viên mãn đạo hạnh phật tánh ví như mặt trăng đêm rằm tròn sáng, còn vô minh ví như làn mây đen che ánh mặt trăng khiến cho bầu trời tăm tối.
Khi phật tánh bị vô minh che lấp thì tâm sinh phiền não, thân tạo nghiệp chướng tội lỗi, ví như đêm rằm trăng sáng mà bị mây che thì có nhiều trộm cướp nổi dậy phá xóm làng, nhiễu hại dân lành.
Khi mây tan trăng sáng bầu trời quang đãn, trộm cướp liền ẩn dạng biến mất. Cũng thế khi vô minh tan hết phật tánh hiện bày thì phiền não nghiệp chướng tẩu thoát không còn. Thân tâm hoàn toàn an vui thanh thản trọn lành.
Nhưng vô minh là gì ?
Làm cách nào để tận diệt vô minh và phục hồi phật tánh ?
Vô minh nói chung là tất cả những mê chấp của chúng sanh, chung qui không ngoài 3 thứ mê chấp căn bản :
1/- Chấp ngã.
2/- Chấp pháp
3/- Chấp không (chấp tướng).
Từ 3 thứ mê chấp đó sanh ra hằng sa mê chấp khác, hành giả chỉ cần tận diệt 3 thứ đó thì dứt hết mọi mê chấp và hoàn toàn diệt tâm vô minh. Phật tánh lúc bấy giờ được hồi sinh hiện hành viên mãn.
Cho nên có câu : "Mây tan vần nguyệt rạng
                            Nước cạn trái châu bày".
Ba thứ mê chấp ấy gọi chung là tam chướng. Vì hay gây chướng ngại trên bước đường phản bổn hoàn nguyên "phục hồi phật tánh".
Chỉ thẳng cách để diệt trừ vô minh trong thiền tông có một pháp mầu mà chỉ có minh sư mới thủ đắc mà mật truyền cho cao đệ.
Đệ tử ưu tú gọi là "Tâm ấn Như Lai".
Nhưng trước khi mật truyền tâm ấn cho cao đệ, thiền sư thường cho lội qua 6 dòng nước, nhảy qua 7 lò lửa, bay qua 8 bát phong thì mới đủ điều kiện để thọ trì "Tâm ấn Như Lai" và hoằng khai diệu pháp báo đáp tứ ân, cứu nhân độ thế, phổ tế quần sanh, hoàn thành bi nguyện.
Để trợ duyên pháp tử khỏi bị chìm sâu trong 6 dòng (lục thủy), bị cháy tan trong 7 lò lửa (thất hỏa) và tan xác trong 8 ngọn gió (bát phong).
Thiền sư truyền trao công án cho pháp tử gọi là 2 phao nổi để lội qua lục thủy, đôi thiết hài để nhảy qua thất hỏa và cặp cánh thần để bay qua bát phong.
Lội qua lục thủy thì được lên bờ giác.
Nhảy qua thất hỏa thì được vào nhà giải thoát.
Bay qua bát phong thì được về non niết bàn.
Công án ấy gọi là pháp mầu trợ đạo.
Còn tâm ấn  gọi là pháp mầu ngộ đạo.
Sau khi hành giả tu thiền đã đạt đến tứ thiền thì mới được minh sư trao truyền công án. Để dọn mình thọ trì tâm ấn như lai diệu pháp.
                            Trường đồ tri mã lực
                            Tố cựu biết nhân tâm.

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Tâm bồ đề có 2 đặc tính cơ bản: Giác ngộ  -  Từ bi.
Do đó, phát tâm bồ đề có nghĩa là phát nguyện tu hành đắc đạo độ sanh.
Khi một hành giả đã phát tâm bồ đề thì lúc nào cũng đặt đạo pháp và chúng sanh lên trên hết hay nói một cách khác : Lấy đạo lợi sanh làm lẽ sống, làm cứu cánh, làm nguồn hạnh phúc.
Kẻ tu hành mà không phát tâm bồ đề thì chẳng khác nào trồng cây mà chẳng dọn đất thì không bao giờ được hưởng quả. Chẳng những không được hưởng quả mà còn mọc cỏ dại cây gai trở lại nữa.
Cũng có thể ví như người làm ruộng đất không dọn sạch cỏ mà lại đi trồng cây, rốt cuộc rồi cây ấy cũng bị cỏ giết chết và không thể nào đem lại kết quả được.
Tóm lại : kẻ chơn tu muốn mau thành chánh quả thì điều kiện tiên quyết là phải phát tâm bồ đề trước hết.
Thuyền bát nhã vượt qua khổ hải, chuổi bồ đề đánh bại ma quân, nước từ bi rửa sạch bụi trần, đường bát chánh siêu nhân thoát tục, tâm thanh tịnh là nguồn chơn phúc, ái ân là tù ngục nhốt giam, muốn xác hồn an trụ già lam, phải quét sạch lòng tham ngũ dục, tâm ly dục là nguồn chơn hạnh phúc.../-

ĐẠO

Đạo gồm hai : phương tiện và cứu cánh.
Đạo làm người và đạo giải thoát.
Đạo phương tiện còn gọi là đạo pháp.
Đạo cứu cánh còn gọi là đạo mầu hay đạo quả.
Đạo làm người gọi là đạo nhập thế hay nhân đạo.
Đạo giải thoát gọi là đạo xuất thế hay phật đạo.
Muốn học ĐẠO LÀM NGƯỜI trước hết phải học chữ HIẾU và chữ NHÂN.
Muốn học ĐẠO GIẢI THOÁT trước hết phải học chữ XÃ và chữ NHẪN.
Xã có hai nghĩa :
- Bố thí : đem cho những sở hữu của mình.
- Không chấp : không dính mắc các pháp bên trong như bên ngoài, theo nghĩa này chữ xã có nghĩa là VÔ TRỤ.
Nhẫn có hai nghĩa :
- Kiên nhẫn : kiên trì nhẫn nại chịu khó, không thối chí, không nãn lòng.
- Nhẫn nhục : vui lòng lãnh thọ tất cả những gì không vừa lòng đẹp ý và làm trái tai gai mắt. Theo nghĩa này thì nhẫn có nghĩa là không sân (không tức giận).

                  Hiếu nhân vẹn toàn
                  Chẳng còn đọa lạc
                  Trong ba đường ác (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh)
                  Đó là nhờ giữ tròn nhân đạo.

                                             Nhứt thiết xã ly
                                             Từ bi nhẫn hòa
                                             Lìa xa tham ái
                                             Thân tâm tự tại.

                                                                           Nhẫn nại kiên trì
                                                                           Dứt sạch sân si
                                                                           Từ bi hỷ xã
                                                                           Thành tựu phật quả.

NGHIỆP

Nghiệp tuy có nhiều nhưng không ngoài 3 thứ : Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.
- Thân nghiệp thuộc về hành vi.
- Khẩu nghiệp thuộc về ngôn ngữ.
- Ý nghiệp thuộc về tư tưởng..
Ba nghiệp xuất phát từ tập khí hay chủng tử, đã ăn sâu từ nhiều đời nhiều kiếp.
Ba nghiệp ấy thường gây chướng ngại cho đạo giải thoát nên gọi là nghiệp chướng.
Trong ba nghiệp ấy ý nghiệp đứng đầu. Do đó, muốn giải trừ tam nghiệp trước hết phải giải trừ ý nghiệp bằng pháp thiền.
Đó là phần tự lực bên trong, còn phần trợ lực bên ngoài gồm có 4 phương tiện sau :
- Bái sám (lạy bái sám).
- Chú nguyện (Minh sư giải nghiệp).
- Uống kim đơn (Minh sư khảo).
- Làm công quả (lợi đạo lợi sanh).
Nếu tu thiền mà không nương vào 4 phương tiện trên đây trợ duyên dể bị nghiệp chướng ngăn cản trên bước đường hành pháp, khó đắc pháp.
Khi nào tam nghiệp được giải trừ rốt ráo tức là hết nghiệp, gọi là giải thoát vì đã hoàn toàn hết khổ thì sẽ được hoàn toàn thanh tịnh.
Tam nghiệp thanh tịnh gọi là tam thanh cụ túc nhờ đó đầy đủ tam thanh khác nữa là :
Thanh lương : mát mẻ
Thanh nhàn  : vô sự vô vi
Thanh thản  : thư thới nhẹ nhàng khoan khoái.
Tóm lại : Tam thanh có 2 nghĩa.
Tam nghiệp thanh tịnh (thân, khẩu, ý)
(Thanh lương, thanh nhàn, thanh thản).
Còn một nghĩa thứ ba tuy ít dùng nhưng cũng cần biết qua : Cảnh thanh vắng, thân thanh nhàn, tâm thanh tịnh. Đó là tam thanh của tiên gia cũng nên biết cho rốt ráo của nghĩa tam thanh./-

NGŨ ẤM

SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC
Sắc : thuộc thân.
Thọ, tưởng, hành, thức : thuộc tâm
Sắc ấm : ăn uống, bệnh hoạn, tình dục nó xúi dục.
Tu thiền sanh tật muốn ăn nhiều.
Ma sắc ấm phá : ăn nhiều, ngủ nhiều.
Hàng phục : Nhịn đói, bỏ ăn tiết thực. Buồn ngủ : càng ít ngủ.
Thọ ấm : cảm giác ma ngũ ấm nhớ nhà.
Tưởng ấm : tư tưởng nhớ đủ thứ, có khi tự nó nổi lên như anh khờ soi gương thấy mặt nổi lên.
Ý tưởng + ma ngũ ấm phá, thiền sinh đừng tin những gì mình nghĩ mà phải nhìn kỹ vào thực tế của mình lúc đó an trụ.
Hành ấm : là ý chí (tư lương) sắp biến thành hành động.
Thiền sinh đang ngồi, ý muốn đi ăn, ý chí tác động mới xuống bếp lục ăn.
Thọ ấm : ăn ngon cảm thấy vui thích đó là thọ ấm, làm việc trời mưa cảm thấy bực bội.
Thức ấm : lưỡi nếm tất cả các mùi vị đắng cay.
Tư tưởng sắp biến thành hành động.
Ví dụ : một hôm đi qua phố ngang qua chổ bán vải đẹp (thức ấm) khởi ý muốn mua đem về may đồ để đi chơi hay dịp lễ (hành ấm) mới thò tay vào túi lấy tiền mua vải để tưởng tượng may (tưởng ấm) trong lòng cảm giác vui thích (thọ ấm) đi nhanh đến tiệm may (sắc ấm).
Thiện ác gì đều xuất phát từ ngũ ấm.

HIỂU ĐỜI - NGỘ ĐẠO

THẾ GIAN VÔ THƯỜNG, CÕI ĐỜI GIẢ TẠM, CUỘC SỐNG PHÙ DU.
Đó là 3 nguyên nhân chủ yếu khiến người tỉnh ngộ, phát tâm tu hành tìm đường giải thoát.
Giải thoát ở đây không phải là trốn lánh khỏi đời mà là xa lìa tất cả những nguyên nhân tạo ra đau khổ.
Đời vốn không vui cũng không khổ, mà vui hay khổ là do lòng người.
Đời vừa là thiên đường vừa là địa ngục. Thiên đường đối với người có đầy đủ phước báu và địa ngục đối với kẻ bất hạnh kém phước vô duyên.
Còn riêng đối với bậc siêu nhân thoát tục ly trần thì đời là niết bàn tại thế.
Trong đời cũng có đạo, trong đạo cũng có đời
Chân lý của đời chính là đạo.
Chân lý của đạo chính là đời.
Thấy được chân lý của đạo là ngộ đạo.
Thấy được vô minh của đời tức là hiểu đạo.
HIỂU ĐỜI - NGỘ ĐẠO.

THẬP ĐỒ

Thập đồ hay thập mục ngưu đồ là 10 bức tranh chăn trâu.
Thập đồ gồm có :
1- Tầm ngưu.
2- Kiến tích.
3- Kiến ngưu.
4- Đắc ngưu.
5- Mục ngưu.
6- Kỵ ngưu qui gia.
7- Vong ngưu tồn nhân.
8- Nhân ngưu cưu vong.
9- Phản bổn hoàn nguyên.
10- Nhập thị thùy thủ.
Mười bức tranh tiêu biểu cho 10 nấc thang thiền mà hành giả phải leo lên để được vào nhà diệu pháp.
Từ bức 1 đến bức 8 tượng trưng cho 4 bực thiền tâm, bức 9 và 10 thuộc về thiền tánh (siêu thiền).
- Sơ thiền là pháp nhất tâm, tượng trưng bằng 2 bức tranh : Tầm ngưu và kiến tích; tiêu biểu bằng hình ảnh "Gà ấp trứng".
- Nhị thiền là pháp quán tâm, tượng trưng bằng 2 bức tranh : kiến ngưu và đắc ngưu; tiêu biểu bằng hình ảnh "Mèo rình chuột".
- Tam thiền là pháp vô tâm, tượng trưng bằng 2 bức tranh : mục ngưu và kỵ ngưu qui gia; tiêu biểu bằng hình ảnh "Bù nhìn coi chim".
- Tứ thiền là pháp ly tâm, tượng trưng bằng 2 bức tranh : vong ngưu tồn nhân và nhân ngưu cưu vong; tiêu biểu bằng hình ảnh "Vọng phu hóa đá".
- Siêu thiền là pháp ấn tâm hay "Niết bàn diệu tâm". Gồm có hai phần :
+ Minh tâm kiến tánh : tượng trưng bằng bức tranh : Phản bổn hoàn nguyên; tiêu biểu bằng hình ảnh "Mẫu tử tương phùng".
+ Hành thâm bát nhã : tượng trưng bằng bức tranh : Nhập thị thùy thủ.
Tứ thiền là 4 pháp phương tiện. Còn siêu thiền là pháp môn cứu cánh cũng gọi là pháp tánh hay tâm ấn.
Hành giả bước lên siêu thiền là đã đạt đến cứu cánh của thiền gọi là đắc pháp thành tựu tam thân (Định, Huệ, Bi) viên mãn.
Tóm lại, thập đồ là 10 bức tranh tượng trưng 2 cấp thiền.
- Cấp II : Thiền tâm.
- Cấp III : Thiền tánh.

CỬU LONG

Cửu long là 9 rồng lửa thường xuyên khuấy động thân tâm mà hành giả phải diệt trừ thì mới được an trụ thiền môn thanh tịnh.
Cửu long gồm có :
- Hiếu động
- Hiếu thắng
- Hiếu kỳ
- Hiếu thực
- Hiếu thuyết
- Hiếu hút
- Hiếu danh
- Hiếu sắc
- Hiếu tân.
Cửu long cũng là cửu hiếu, chính là 9 cái ham thích của tam nghiệp : thân, khẩu, ý.
1- Thân : hiếu động, hiếu thắng, hiếu kỳ.
2- Khẩu : hiếu ăn, ham ngủ, ham hút.
3- Ý : hiếu danh, hiếu sắc, hiếu tân.
Muốn diệt trừ cửu long hành giả phải diệt trừ tận dụng 3 lợi khí hữu hiệu sau đây gọi là tam tịnh.
1- Tịnh tọa : ngồi yên, cấm túc.
2- Tịnh khẩu : trầm lặng, tiết thực.
3- Tịnh mục : nhắm mắt ngó xuống.
Tịnh tọa thuộc về thân nên cũng gọi là tịnh thân. Tịnh mục thuộc về mắt nên gọi là tịnh nhãn.
                                     Tam tịnh thường hành
                                     Tam thanh cụ túc
                                     Viễn ly cửu dục (cửu hiếu)
Trên đây là diệt trừ cửu long nơi ngọn nên chưa dứt gốc phương pháp này chỉ áp dụng trong buổi sơ cơ chỉ có tác dụng nhất thời và chỉ có kết quả tương đối thôi.
                                     Muốn dứt gốc cửu long
                                     Phải dứt lòng ái ố
                                     Phải tỏ ngộ nhất nguyên
                                     Chứng siêu thiền bất nhị.
Lúc bấy giờ hành giả mới được tự tại đối với cửu long và biến cửu long thành thần long hộ pháp.
                                     Biến hiếu động thành tinh tấn
                                     Biến hiếu thắng thành nhiệt tình
                                     Biến hiếu kỳ thành quyền biến
                                     Biến ham ăn, ham nói, ham hút thành nhạo thuyết biện tài.
                                     Biến hiếu danh, hiếu sắc, hiếu tân thành phương tiện quyền xảo.


                                     Cửu long chuyển hóa
                                     Bát nhã lưu hành
                                     Phổ lợi quần sanh
                                     Thừa hành bi nguyện
                                     Tùy duyên bất biến.


BÁT PHONG

Bát phong là 8 ngọn cuồng phong mà hành giả phải bay qua mới được về non niết bàn cực lạc.
Bát phong gồm có :
- Vinh nhục
- Thạnh suy
- Thị phi
- Bỉ thới.
Bát phong ấy chính là 8 biến thiên trần cảnh làm động tâm hành giả.
Muốn được tự tại an nhiên trước 8 biến thiên trần cảnh ấy  hay nói cách khác, muốn vượt qua bát phong an toàn để về đến non niết bàn tịnh lạc. Hành giả phải nhất tâm hành trì công án "Bất nhị" để giải trừ biên kiến (phân biệt nhị tướng).
Biên kiến không còn, bát phong ngừng thổi. Bởi biên kiến là nguyên nhân duy nhất phát xuất bát phong.
                                            Dứt trừ biên kiến
                                            Tan biến bát phong
                                            Cảnh tịnh tâm không
                                            Khai dòng bát nhã
                                            Từ bi hỷ xã.

THẤT HỎA

Thất hỏa là 7 lò lửa mà hành giả phải nhảy qua mới vào được ngồi nhà giải thoát.
Thất hỏa gồm có :
1- Lười biếng
2- Tham ăn
3- Tham ngủ
4- Tự ái
5- Luyến ái
6- Cô đơn
7- Tình dục
Thất hỏa được nhen nhuốm và bốc cháy từ 3 ngọn lửa : lửa tình, lửa dục và lửa sân.
Do đó muốn vượt qua thất hỏa an toàn, trước hết phải dập tắt 3 ngọn lửa lòng bằng cách :
1/- Chuyển tình riêng thành tình chung.
2/- Chuyển tư dục thành công dục.
3/- Chuyển sân si thành đạo nộ.
Ba ngọn lửa lòng ấy lại xuất phát từ một đốm lửa duy nhất đó là vô minh. Căn bản của lửa vô minh đó là "ngã chấp".
Do đó, muốn dập tắt thất hỏa hành giả phải nhất tâm hành trì công án "Nhị không" để giải trừ chấp ngã.
Khi đốm lửa vô minh chấp ngã không còn thì tự nhiên :
1- Tình cảm biến thành từ tâm.
2- Dục vọng biến thành bi nguyện
3- Sân si biến thành mật hạnh.
Lúc bấy giờ toàn bộ thất hỏa chuyển hóa thành lửa từ bi tam muội đốt cháy rác nghiệp chúng sanh và đồng thời cũng chuyển biến thành nước cam lồ rưới tắt ba ngọn lửa lòng của chúng sanh để đưa mê tình ra khỏi ba nhà lửa tam giới.
                                      Thất hỏa nhảy qua
                                      Vào nhà giải thoát
                                      Thanh lương thường lạc.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

LỤC THỦY

Lục thủy là 6 dòng nước mà hành giả phải lội qua mới lên bờ giác ngộ.
Lục thủy gồm có :
1- Tham Lam
2- Ích kỷ
3- Ganh tỵ
4- Tự ái
5- Tự cao
6- Háo danh
Lục thủy chẳng những nhận chìm biết bao nhiêu khách tục, mà còn vùi dập vô số tu sĩ, thiền sinh.
Lục thủy tuy phân làm 6 dòng nhưng đồng một nguồn duy nhất, đó là ngã chấp.
Muốn dòng cạn phải lấp nguồn, do đó muốn vượt qua lục thủy an toàn chỉ cần nhất tâm trì công án "Nhị không" để phá trừ chấp ngã.
Ngoài ra còn có minh sư trợ duyên bằng phương pháp trực chỉ thì mới mau kết quả.
Ngã chấp hết thì lục thủy cũng không còn. Lúc bấy giờ hành giả đã chuyển nhất nguyên ngã chấp thành nhất thể chơn như và chuyển lục thủy cuồng lưu thành tựu lục độ ba la mật.

                                                      Lục thủy không còn
                                                      Vuông tròn lục độ
                                                      Chuyển mê khai ngộ.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

NGŨ QUỶ

Năm thứ vọng trần (ngoại pháp) ngũ căn tiếp xúc thường nhiễu hại tâm hành giả nên gọi là ngũ quỷ, ngũ trần ấy mang lại khoái lạc cho ngũ căn nên cũng gọi là ngũ dục gồm có : sắc, thinh, hương, vị, xúc.
- Mắt thích nhìn ngắm sắc đẹp gọi là sắc dục.
- Tai thích lắng nghe tiếng hay gọi là thinh dục.
- Mũi thích ngửi mùi thơm gọi là hương dục.
- Lưỡi thích nếm vị ngon gọi là vị dục.
- Thân thích tiếp xúc khoái lạc gọi là xúc dục.
Xa lìa ngũ dục ấy gọi là ly dục, ly dục mới được thanh tịnh, an vui và giải thoát.
Tất cả 5 món ngũ dục lạc ấy gọi là khoái lạc thuộc về hạnh phúc thế gian, hay phước báu nhơn thiên, ly dục gọi là an lạc hay niết bàn thuộc về hạnh phúc xuất thế gian cũng gọi là giải thoát vì chấm dứt mọi ưu bi, khổ não.
Ngũ dục vừa mang lại hạnh phúc, vừa mang đến khổ đau, cho nên gọi là hạnh phúc tương đối hay hạnh phúc hữu lậu, còn ly dục đạt đến an lạc hoàn toàn dứt hết mọi đau khổ nên gọi là hạnh phúc tuyệt đối hay phước vô lậu cũng thế.
Hạnh phúc tuyệt đối ấy trường tồn, vĩnh cửu chơn thật bất hư nên cũng gọi là chơn phúc.

                                  ĐỒ  BIẾU

Ngũ dục------------------------------- khoái lạc
Ly dục  ------------------------------- an lạc

Ngũ dục------------------------------- hạnh phúc thế gian
             ------------------------------- hạnh phúc tương đối
             ------------------------------- phước hữu lậu

Ly dục   ------------------------------ hạnh phúc xuất thế gian
             ------------------------------ hạnh phúc tuyệt đối
             ------------------------------ phước vô lậu
             ------------------------------ chơn phúc
             ------------------------------ niết bàn

Hành giả tu thiền ngũ căn xa rời được ngũ uẩn thì mới nhất tâm thanh tịnh, hành pháp mau đắc pháp.
Khi đắc pháp thì cả thân tâm trí (là ngũ uẩn) đều ly dục và đạt đến cứu cánh chơn phúc thường lạc, tự tại, giải thoát lúc bấy giờ hành giả :
                                            Cư trần bất nhiễm
                                            Tắt lịm lửa lòng
                                            Tự tại thong dong
                                            Nhập dòng bát nhã
                                            Vô ngã vô sanh
                                            Cụ túc tam thanh
                                            Thừa hạnh phật sự
                                            Viễn ly sanh tử
                                            Lai khứ an nhiên
                                            Phản bổn hoàn nguyên
                                            Tùy duyên vô ngại
                                            Thân tâm thoải mái.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

TỨ MA

Có 4 thứ ma nhiễu loạn, phá hoại hành giả tu thiền là :
1- Ngũ ấm ma.
2- Phiền não ma.
3- Thiên ma.
4- Địa ma.
Ngũ ấm : cũng gọi là ngũ uẩn gồm có : sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Phân ra làm ba phần :
- Thân (sắc).
- Tâm (thọ).
- trí (tưởng).
* Nơi thân thì có 3 tên đứng đầu là : dâm, dục, thùy.
* Nơi tâm thì có 3 ngọn lửa lòng là : lửa tình, dục, sân.
* Nơi trí thì có 3 thứ hiện hành là : tưởng, muốn, biết.
Có ba loại ma phiền não căn bản là : dâm, nộ và si gọi là tam độc.
Thiên ma : cũng gọi là ma Ba Tuần ở cung trời "Tha hóa tự tại" có nhiều phước báu và oai lực (thông minh, tài ba, đẹp đẽ) giàu sang, quyền thế, thần thông.
Thiên ma chia ra 2 loại : hữu hình và vô hình tương trợ lẫn nhau để phá hoại chơn tu.
Thiên ma chỉ biết tôn thờ ngũ dục, vật chất nên rất ghét chơn tu phạm hạnh và rất sợ chơn tu đắc quả. Vì thêm một vị chơn tu đắc quả thì thế lực của chúng suy yếu một phần và giảm mất đi nhiều quyến thuộc.
Quyến thuộc của thiên ma chính là những kẻ tôn thờ ngũ dục vật chất và chà đạp chơn lý đạo mầu, đề cao bản chất vô minh bất chấp nhơn quả, tội phước, ca tụng khuyến khích những hành vi tội lỗi và hủy báng tam bảo, chánh pháp, bán rẻ lương tâm, xem thường lẽ phải.
Địa ma (tử ma) : cũng gọi là ma vô thường, loại ma này ở địa ngục ra nhiễu hại chơn tu bằng cách làm cho thân bệnh hoạn, tâm bất an, trí điên đảo, xúi dục hành giả nghĩ nói làm nhiều điều sai quấy, tạo tội địa ngục để tăng thêm quyến thuộc nơi cõi u minh.
Địa ma cũng có 2 loại : nơi thú vật gọi là yêu tinh, nơi người gọi là ma quỷ.
Địa ma từ trong địa ngục ra nên thiếu phước báu và nghiệp chướng nặng nề. Do đó oai lực kém thiên ma.
Tứ ma chia làm 2 loại : nội ma và ngoại ma.
- Ngũ ấm và phiền não thuộc về nội ma.
- Thiên ma và địa ma gọi là ngoại ma.
Nơi người thì bất cứ kẻ nào cản trở, phá hoại, chê bai, phỉ báng, công kích, chỉ trích, chế nhạo sự học thiền, tu thiền của thiền sinh đều thuộc về ma cả dù đó là thân nhân bằng hữu của mình.

                                           Đạo cao ma khảo
                                           Càng khảo càng cao
                                           Càng mau đắc đạo.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

TAM CHƯỚNG

Ba lớp vô minh che lấp phật tánh hay ba ải chướng ngại trên đường phản bổn hoàn nguyên gọi là tam chướng.
Tam chướng gồm có : chấp ngã, chấp pháp (hay chấp tướng) và chấp không.
Chấp ngã :  là tâm phân biệt nhơn ngã hay nhận lầm ngũ uẩn là ta.
Chấp pháp : là tâm phân biệt các pháp đối đãi (nhị tướng hay dị biệt nhị tướng) hoặc nhận lầm các pháp thật có.
Chấp không :  là tâm phân biệt có với không hay nhận lầm các pháp là thật không.
Muốn giải trừ chấp ngã hãy quán "ngũ uẩn giai không" và hành công án "nhị không".
Muốn giải trừ chấp pháp hãy quán "vạn pháp giai không" và hành công án "song ly".
Muốn giải trừ chấp không hãy hành công án "bất nhị" (có không bình đẳng).
Dứt lòng phân biệt nhơn ngã và chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì được cứu cánh vô ngã (chơn ngã).
Dứt lòng phân biệt dị tướng (các pháp đối đãi) hay thấy được tướng như của các pháp, thì được cứu cánh vô tướng (ly tướng).
Dứt lòng phân biệt có không, hay không còn nhận các pháp là thật không, thì được cứu cánh chơn không (diệu không, huyền không).
Hành giả tu thiền sau khi đã vượt ra hai ải chấp ngã và chấp pháp thường bị kẹt ở ải cuối cùng là chấp không, nên vẫn chưa về được cố hương, tức chưa được phản bổn hoàn nguyên, minh tâm kiến tánh, cứu cánh tự tại, tâm vô quái ngại.
Do đó có câu :
"Mạc vị vô tâm vân thị đạo,
Vô tâm do cách nhất trùng quan".
Tức :
"Đừng tưởng không tâm là ngộ đạo,
Không tâm còn cách một ải hào".

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

NHỊ BIÊN

Nhị biên ấy cũng gọi là nhị nguyên là hai pháp đối đãi hay nhị tướng, là hai tướng đối đãi, hoặc dị tướng là các tướng dị biệt.
Ví dụ : có với không, thiện với ác, khổ với vui, chơn với vọng, vinh với nhục, thạnh với suy, ly với hiệp.
Dị tướng nghĩa rộng hơn nhị tướng. Nhị tướng chỉ thu hẹp trong phạm vi hai tướng đối đãi. Còn dị tướng bao gồm tất cả các tướng khác biệt như : sắc với thọ, tưởng, hành, thức. Hoặc như : sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Hay : nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý.
Các pháp dị biệt ấy đồng nhất nguyên, nên gọi là bất nhị (không khác).
Phân biệt nhị biên hay thấy hai bên gọi là "biên kiến". Còn biên kiến là còn tà kiến, hết biên kiến gọi là chánh kiến. Khi hành giả tu thiền ngộ nhập phật tri kiến thì dứt sạch tà kiến (tri kiến vô minh) và thành tựu chánh kiến cũng gọi là kiến tánh hay ngộ nhập giác tánh tức là thấy được tánh không hay tánh bình đẳng không hai của vạn pháp.
Lúc bấy giờ hành giả không còn phân biệt chấp trước các pháp, do đó ở trong các pháp tâm được tự tại không còn dính mắc hệ phược và được hoàn toàn giải thoát đến niết bàn thường tịnh lạc. Đó cũng là lúc hành giả :
                               Phản bổn hoàn nguyên
                               Bội trần hiệp giác
                               Chuyển mê khai ngộ
                               Phản vọng hoàn chơn
                               Minh tâm kiến tánh
                               Viên mãn tam thân.
và bởi không còn chấp trước các pháp nên :
                               Tùy duyên phương tiện
                               Thị hiện độ sanh
                               Bất chấp tướng danh
                               Thường hành bi nguyện
                               Tùy duyên bất biến.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

NHẤT NGUYÊN

"Nhất nguyên sanh vạn pháp
 Vạn pháp đồng nhất nguyên".
Tức là :
"Một nguồn sanh muôn pháp
 Muôn pháp đồng một nguồn".
- Nguồn ấy là nguồn giác, gọi là giác nguyên.
- Nguồn ấy là nguồn tâm, gọi là tâm nguyên.
- Nguồn ấy là nguồn chơn, gọi là chơn nguyên.
Nhất nguyên đồng với nhất thể, nhất tánh, nhất tướng.
* Thể ấy là thể tịch.
* Tánh ấy là tánh không.
* Tướng ấy là tướng như.
Vì thể, tánh, tướng ấy chơn thật bất hư, nên cũng gọi là thực thể, thực tánh, thực tướng (vô tướng). Bởi vạn pháp (chơn tánh) đồng nhất nguyên thể tịch, tánh không, như tướng nên bình đẳng, bất nhị, bất dị (không khác) do đó có câu :
"Tam giới giai không, vạn pháp duy nhất".
Nhất nguyên ấy cũng chính là cứu cánh của thiền môn nói riêng và tất cả các pháp nói chung.
                                       
                                Hành giả tu thiền
                                Ngộ nhập nhất nguyên
                                Đắc pháp siêu thiền
                                Phản bổn hoàn nguyên.