phat-thich-ca

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

ĐẮC ĐẠO

Các con tu là để đắc đạo.
Như thế nào là đắc đạo.
Muốn hiểu thế nào là đắc đạo, trước hết phải hiểu đạo là gì và tu đạo là sao.
Muốn đi đến đích mà không hiểu đích ấy ở chổ nào làm sao đến được, cũng vậy muốn đắc đạo điều kiện cốt yếu thì phải hiểu thế nào là đắc đạo, nếu không ắt dễ thối chuyển.
Vậy giờ đây các con hãy gắng lòng mà nghe và hiểu một cách xác thực thế nào là đắc đạo, để lấy đó làm ngọn đuốc tự soi mình trên đường hành đạo.
Đạo tức là vô tâm, được hoàn toàn vô tâm đối với tất cả pháp tức là đắc đạo vậy. Nhưng thế nào là vô tâm, vô tâm tức là không sanh tâm, chớ không phải là vô tri vô giác đối với ngoại cảnh không hay biết gì cả, biết tất cả nhưng hoàn toàn vô tâm đối với tất cả, cũng gọi là xúc cảnh mà không sanh tâm, chỉ có vô tâm thì tâm mới hoàn toàn vắng lặng, mới hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt và an lạc, được vô tâm mãi mãi như thế, chớ không phải khi vô tâm khi động tâm, tức là đắc đạo.
Hay nói rõ hơn đắc tức là được, đạo là tâm vắng lặng, đắc tâm vắng lặng cũng gọi là chơn tâm tức là đắc đạo, đã hiểu như thế thì mới biết tu đạo mới là chơn tu, còn không hiểu như thế tức là tu mù tu giả dối vậy, đối với các con vì chưa từng tu tập hồi quang phản chiếu nên giảng khái lược như thế khó hiểu rốt ráo được. Vậy SP cần giảng rõ thêm về hai chữ đắc đạo.
Vô tâm đây cũng gọi là vô niệm, vô là không, tâm là vọng tâm. Vô tâm tức là không vọng tâm mà không vọng tâm tức là chơn tâm. Tại sao ? vì chơn tâm tức là tâm vắng lặng vốn sẵn có, nhưng vì bị vọng tâm che lấp nên không hiển hiện đó thôi. Nếu vọng tâm không sanh thì chơn tâm được hiện tiền. Chơn tâm thì chỉ có một, còn vọng tâm thì nhiều vô số, một niệm tưởng tức là vọng tâm vậy, vọng tâm đây tức là tâm phiền não tham sân si, dứt hết tam độc tham sân si tức là vọng tâm diệt và chơn tâm hiện bày tức đắc đạo.
Tóm lại dứt sạch tam độc tức đắc đạo vậy, tu đạo là diệt tham sân si chớ không có chi là lạ cả.
Đạo cũng gọi là niết bàn.
Đắc đạo tức là đắc niết bàn.
Niết bàn tức là tâm thường tịnh, thường lạc, tịnh hoài không động, vui hoài không khổ đó chính là lý tưởng là cứu cánh là cái đích trên bước đường tu đạo của các con đó, mà chướng ngại trên bước đường thực hiện lý tưởng ấy chính là tham sân si.
- Muốn diệt tham phải trì giới.
- Muốn diệt sân phải nhẫn nhục.
Tham sân diệt thì si cũng không còn, trì giới nhẫn nhục là hai pháp căn bản, ngoài ra các con cần phải tu tất cả các pháp môn phương tiện để trợ duyên tức là tiếp sức thêm cho các con diệt trừ tham sân si như : trì kinh, bái sám, niệm phật, trì chú .v.v...
Vậy trong khi tu tất cả các pháp phương tiện ấy cũng gọi là hành sự tướng, các con phải nhắm mục đích trợ lực diệt trừ tham sân si mà thôi. Có như thế các pháp tu ấy mới đem lại kết quả tốt đẹp cho các con, các con có biết tại sao SP không dạy nhiều cho các con không ? 
vì học giáo lý nhiều các con chỉ thêm loạn tâm rối trí và chẳng những không giúp các con diệt được phiền não, mà còn tăng thêm phiền não nữa, có hiểu như thế các con mới khỏi ngạc nhiên và thắc mắc tại sao SP ít dạy, học nhiều mà không tu không hành cũng hoài công vô ích cả hai kể kẻ dạy lẫn người học. Do đó SP chỉ dạy cho các con những điều thiết yếu nhằm mục đích thực dụng để giúp các con chóng được giải thoát mà thôi.
Trước SP chỉ chổ đến cho các con, kế trao phương tiện để đạt đến cứu cánh ấy vì các con chưa biết bến bờ ở đâu nên SP phải chỉ cho các con thấy rõ rồi sau mới cho thuyền, các con phải ra công bơi chèo thì mới đến bờ được. SP dạy các con tu cả hai đều được lợi ích. SP cũng dạy rõ cho các con biết tại sao SP không cho các con tiếp xúc với kẻ khác, vì hai lý do : Một là để cho các con khỏi duyên theo bên ngoài mà bỏ tu và hai là để các con khỏi mất thanh tịnh vì tranh luận nói pháp.
Nếu các con tiếp xúc thì phải học giáo lý nhiều tức là phải học pháp nói, mà lo học pháp nói thì bỏ pháp tu, suốt đời mất công phu mà không kết quả chi cả.
Vậy các con không tiếp xúc để tâm được chuyên nhứt tu tâm để cho mau đắc đạo, các con không cần bận tâm đối đáp về đạo lý, không cần phải thông suốt về gáo lý kinh điển, hãy ráng tu tất cả các pháp lành rồi tâm khai huệ phát mà tự biết không cần phải nhọc sức học nhiều. Cũng vì lý do đó mà các vị thiền sư không bắt đệ tử phải tham khảo nhiều kinh điển vậy.
Trong lúc tịnh khẩu các con gặp thử thách lướt qua được hay không là do ở công đức tu hành của các con, những chướng ngại trên bước đường tu do ma vương khấy nhiễu đã đành mà lắm khi do chư thiên thử thách nữa. Vậy các con khéo giữ gìn kiểm điểm chớ để sanh tâm 
bất thiện mà tự chiêu lấy hậu quả không hay cho chính bản thân mình mà thôi vậy. Bóng tùy hình, quả theo nhân, đã hiểu được mục đích tôn chỉ của SP từ đây trở đi các con chớ cầu SP dạy nhiều, SP dạy ít mà các con hành nhiều tức là SP đã dạy nhiều rồi đó. Ngược lại SP dạy nhiều mà các con không tu không hành thì hóa ra SP không dạy chi cả, các con phải khá biết cái tịnh khẩu của các con không giống cái tịnh khẩu của kẻ khác ở chổ coi tịnh khẩu là pháp trợ duyên để tu đạo chớ không cho đó là pháp tu đạo.
Tịnh khẩu đối với các con là pháp trợ đạo mà thôi, tự nó không có công đức chi cả và nó sẽ trở thành pháp chướng đạo, nếu sanh tâm trụ chấp ngã mãn cống cao và sanh lòng phiền não không thanh tịnh.
Vậy được công đức,được kết quả hay không là do tâm các con chớ không phải do pháp tịnh khẩu vậy.
Từ khi xuất gia tu cho đến nay SP chưa từng tịnh khẩu ngày nào mà không ngày nào là không tịnh khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét