phat-thich-ca

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

THẬP KỆ KHAI TÂM

1/- Dễ gì chuyển kiếp đặng làm người
     Nay đặng làm người chớ dễ duôi
     Đời đạo hai đường tùy ý chọn
     Khổ vui hai nẽo khóc hay cười.
2/- Đời người ngắn ngủi tợ phù du
     Tứ đại nhốt giam giống ngục tù
     Phu thằng tử phược như gông xích
     Tĩnh giấc mộng vàng con quyết tu.
3/- Tình đời lý đạo khác nhau xa
     Xã tục ly hương chẳng nhớ nhà
     Thương đời mộ đạo lòng tha thiết
     Con quyết tu hành bởi vị tha.
4/- Xuất gia tùng phật độ quần sanh
     Xuất giá tùng phu thọ ngục hình
     Đạo đời hai nẽo đà minh định
     Con quyết đi tu dứt thế tình.
5/- Cá cắn câu mua sầu chuốc thảm
     Chim tham mồi cạm bẩy nhốt thân
     Cõi đời là chốn mê tân
     Nay con tĩnh ngộ nương thân cửa thiền.
6/- Chim kêu vượn hú suối hòa reo
     Cảnh tịnh tâm không sướng cảnh nghèo
     Lối đạo diệu huyền lần bước đến
     Lợi tình danh tước hết còn đeo.
7/- Nay con cắt ái ly gia
     Quyết tâm ra khỏi ba nhà tử sanh
     Trước tiên con giữ hạnh lành
     Luôn luôn kín miệng thực hành cẩn ngôn.
8/- Con là pháp tử vị tha
     Tam thường bất túc lìa xa tham cầu
     Mong sao tỏ ngộ đạo mầu
     Thoát ly tất cả khổ sầu thế gian.
9/- Mùi đời mới nếm ngọt thay
     Mà trong hậu vị đắng cay muôn phần
     Đạo lành học tập chuyên cần
     Tâm linh nhờ đó lâng lâng thoát trần.
10/- Tình đời thấy trọng mà khinh
     Đạo tình chuyển hóa tâm linh an hòa
     Gia đình là gốc oan gia
     Tình thâm cốt nhục ruột rà hại nhau
     Ai khôn hãy dứt bỏ mau
     Lên đường học đạo sớm vào cửa không
     Tự tại thong dong
     Nhập dòng chư phật
     Là khôn đệ nhất.


XUÂN CA

Mùa xuân đến với chúa xuân
Tâm xuân chẳng đợi mùa xuân bao giờ
Xuân đến chúa xuân hửng hờ
Tâm xuân chẳng đợi chẳng chờ mùa xuân
Xuân đến chúa xuân dửng dưng
Tâm xuân chẳng đợi mùa xuân bao giờ
Xuân đến chúa xuân thờ ơ
Tâm xuân chẳng đợi chẳng chờ mùa xuân.

Kiều nương

Đường thiền dù gian nan khúc mắc
Mà lòng thiền sinh luôn vững chắc
Chung thủy nhất tâm kiên trì chẳng hề lui
Cha lành từ mẫu vẫn thường kề bên chẳng hề quên
Giúp con trẻ hành thiền tinh tấn
Ắt sớm được mật truyền tâm ấn
Thấy ngay niết bàn ở trần gian
Tâm phan duyên dứt sạch liền
Pháp diệu thiền đắc hiện tiền.

Lý con sáo

Pháp duyên quảng độ
Pháp mầu ly tâm
Là diệu thiền cao thâm
Tuy Minh sư hiện đủ thân hình
Mà luôn an trụ cảnh chơn thường
Mặc đồ bà ba hay áo vét
Vẫn xem không khác chi cà sa
Hiện làm tiều phu hay nghệ sĩ
Nhưng vẫn không mất phong thiền sư.

Cao phi

Mậu Thìn tân niên
Minh sư quyết chuyển pháp thiền tông
Diệu thiền ly tâm
Nên thân cảnh dẫu có mà không
Chẳng còn ngã pháp chi hết
Trong ngoài không dính tâm tướng
Diệu tâm hiện hành
Nên tứ trí tựu thành viên dung
Diệu tâm hiện hành
Nên tứ trí tựu thành viên dung.

Vạn huê trường hận

Cùng tử lưu vong tĩnh ngộ quay về
Tịnh độ thiền môn
Đời con còn có chi đâu
Ngoài cha với mẹ tinh thần
Bởi bấy lâu đã nhiễm trần
Giờ đây quỳ lên phát tâm tu thiền
Cương quyết mãi kiên trì
Thường xuyên nhiếp tâm không ngừng
Suốt đêm ngày ắt sẽ thành công.

Giang tô

Muôn kiếp luân hồi con trẻ trầm luân  khổ sầu
Nay đà tĩnh ngộ con quyết tầm sư học thiền
Dù có phải nằm gai
Con đây chẳng hề nao núng
Cửa thiền Như Lai ngàn thưở khó vô
Nay nhờ minh sư trực chỉ chơn tâm
Suốt đời không quên từ phụ thâm ân
Dù cho thân xác rã tan
Thề không cất bước sang ngang
Bỏ đạo tràng.

Lưu thủy hành vân

Trong pháp duyên thiền sư ẩn tu
Còn đóng khung đạo tràng
Pháp duyên quảng độ cửa thiền khai thông
Truyền pháp môn diệu thiền
Vô duyên kém phước phải đành lui ra
Vì khó kham pháp mầu
Ly tâm ly tướng lại còn ly không
Là tam ly mới mong được vào.



Phong nguyệt

Vì vạn cảnh như huyễn
Thân tâm thường lộ điển
Quyết lên đường tu thiền
Sát na... khế chơn
Liền hoàn nguyên...lìa nhị biên
Ngồi đài liên
Từ bi trí khai phát
Thường kiến cơ nhi tác
Cứu muôn loài mê tình
Mau thoát ly sáu nẽo luân hồi.



Thủ phong nguyệt

(hàng phục ma chướng)
Trong năm qua
Dù ma chướng lộng hành
Thiền sư chẳng hề nao
Người vẫn mĩm cười tươi
Nay bước sang năm mới Mậu Thìn
Đạo tràng vẫn an bình.

Sơn đông hướng mã

(ý nghĩa biểu tượng tam thân)
Gươm bát nhã
Chém đầu ma
Tức trí tuệ của thiền sư
Nhờ đây thiền sinh được bình an
Bình cam lộ chính là bi nguyện
Gậy tre, thảo hài là diệu tâm của ngài.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

NHỚ QUÊ XƯA

Ngâm thơ :
Trong đời có đạo ai hay
Đạo đời hiệp nhất hiện ngay niết bàn
Tây phương ở tại trần gian
Tịnh tâm sẽ thấy rõ ràng chẳng sai
Pháp môn mầu nhiệm không hai
Là thiền tự tánh Như Lai khá tường.
Nói lối :
Ai liễu ngộ sẽ thoát đường sanh tử
Cả xác hồn lai khứ được an nhiên
Dẫu bên ngoài trần cảnh biến thiên
Thường an trụ tâm thiền bất động
Thế gian ảo mộng, hư vọng hảo huyền
Nhập định tham thiền, trần duyên bất nhiễm
Lửa lòng tắt lịm, mạo hiểm xông pha
Hoằng pháp lợi tha, xây nhà giải thoát.
Vọng cổ :
Nơi đất khách sẽ không còn lưu lạc, thường đem pháp âm để khai ngộ chúng mê tình... Thoát khỏi vòng lục đạo tứ sanh và dứt sạch vô minh phiền não, dù thử thách gian nan khảo đảo, nguyện thủy chung tâm đạo giữ tròn, kiên trì một dạ sắc son, dù cho biển cạn non mòn chẳng sai, nguyện đem chánh pháp Như Lai, phổ độ muôn loài phản bổn hoàn nguyên.

Kiều nương

Vì lòng từ bi nên dứt khoát
Xa lìa trần duyên để giải thoát
Tất cả chúng sanh mê lầm đang trầm luân
Trên đường hoằng hóa gặp nhiều hàm oan chẳng buồn than
Lấy oan ức làm đà tiến thủ
Dắt sanh chúng trở về quê cũ
Thoát ly bao khổ sầu ở trần gian
Tâm kim cang... an trụ niết bàn...
Pháp siêu thiền...ly tướng thiền.

Lý con sáo

Sát na ly vọng phản hồi giác nguyên
Động tịnh đều an nhiên
Nhứt thiết đều tùy duyên
Thường an trụ pháp thiền
Luôn thân cận mẹ hiền
Đạo đời hằng tương đắc
Ngã pháp nhân cả ba đều không
Được vào nhà diệu pháp
Ma ha bát nhã ba la mật đa.

Cao phi

Đạo đời không hai
Tâm ly tướng nhất thiết đều không
Pháp mầu Như Lai
Thân tâm cảnh có khác gì đâu
Chỉ cần không chấp các pháp
Chẳng cần buông bỏ chi hết
Tự nhiên ly trần
Đạo giải thoát khỏi cầu cũng nên
Tự nhiên ly trần
Đạo giải thoát khỏi cầu cũng nên.

Vạn huê trường hận

Vạn hữu thế gian là mộng huyễn vô thường
Giả tạm chẳng bền lâu
Lợi danh dường thể chiêm bao
Tình yêu dường thể mây trời
Mỗi sát na mỗi đổi dời
Đừng nên cầu mong chuốc thêm lụy sầu
Vui sống cảnh thanh bần
Từ đây quyết tâm ly trần
Thoát luân hồi đến cõi trường xuân.

Giang tô

Diệu pháp chơn thường muôn kiếp ngàn năm khó tìm
Ai người thể nhập tự tánh thiền na sẽ tường
Nguồn giác chẳng rời tâm
Xưa nay thánh phàm không khác
Cũng vì phan duyên trần cảnh tán tâm
Con đành xa quê lạc mẹ khổ thân
Sáu đường trôi lăn chìm nổi xuống lên
Từ đây con trẻ nhất tâm
Hồi quang phản chiếu chơn tâm...
Trụ pháp thiền.

Lưu thủy hành vân

Con quyết tâm tầm sư xuất gia
Cầu thoát ra ba nhà
Thân tâm dâng hiến đạo mầu Như Lai
Dù nát tan không nài
Đi tu tuy khổ nhưng mà an vui
Thề tiến lên không lùi
Ly gia cắt ái tham thiền tịnh tâm
Thì lo chi giác hoa không nảy mầm.

Phong nguyệt

Đời mộng huyễn như thế
Con lên đường xuất thế
Thoát ba nhà luân hồi
Nhất tâm tiến lên đường hoàn nguyên
Lìa trần duyên - Thiền thường xuyên
Dù gian khổ cay đắng
Luôn kiên trì chiến thắng
Quyết tu hành tới cùng
Cho đến khi đạo quả viên thành.

Thủ phong nguyệt

Tâm vô sanh
Là diệu pháp chơn thường
Thiền ly tướng cũng là đây
Đừng có kiếm tìm đâu
Không vấn vương trần cảnh bên ngoài
Tâm thiền hiện bày.

Sơn đông hướng mã

Muốn xuất thế phải dừng chân,
Dứt khoát với trần duyên,
Đừng nên hàng hai mà nguy,
Rồi phải đọa muôn đời khổ lụy,
Pháp nhi khá tường,
Chọn một trong hai đường.

PHÁP BẢO TÂM CA

Ngoài đời hò hát ca ngâm
Trong đạo cũng có pháp âm hát hò
Qua sông thì phải có đò
Khác chi phương tiện hát hò ca ngâm
Đó là đạo nhạc pháp âm
Trợ đạo tứ chúng khai tâm mê tình
Viên thành trí ngộ quang minh
Thân tâm thanh tịnh an bình thanh lương
Không có tôn giáo nào qua chơn lý
Không có đạo lý nào qua tình thương
Không có con đường nào qua giác ngộ.

ĐẮC ĐẠO

Các con tu là để đắc đạo.
Như thế nào là đắc đạo.
Muốn hiểu thế nào là đắc đạo, trước hết phải hiểu đạo là gì và tu đạo là sao.
Muốn đi đến đích mà không hiểu đích ấy ở chổ nào làm sao đến được, cũng vậy muốn đắc đạo điều kiện cốt yếu thì phải hiểu thế nào là đắc đạo, nếu không ắt dễ thối chuyển.
Vậy giờ đây các con hãy gắng lòng mà nghe và hiểu một cách xác thực thế nào là đắc đạo, để lấy đó làm ngọn đuốc tự soi mình trên đường hành đạo.
Đạo tức là vô tâm, được hoàn toàn vô tâm đối với tất cả pháp tức là đắc đạo vậy. Nhưng thế nào là vô tâm, vô tâm tức là không sanh tâm, chớ không phải là vô tri vô giác đối với ngoại cảnh không hay biết gì cả, biết tất cả nhưng hoàn toàn vô tâm đối với tất cả, cũng gọi là xúc cảnh mà không sanh tâm, chỉ có vô tâm thì tâm mới hoàn toàn vắng lặng, mới hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt và an lạc, được vô tâm mãi mãi như thế, chớ không phải khi vô tâm khi động tâm, tức là đắc đạo.
Hay nói rõ hơn đắc tức là được, đạo là tâm vắng lặng, đắc tâm vắng lặng cũng gọi là chơn tâm tức là đắc đạo, đã hiểu như thế thì mới biết tu đạo mới là chơn tu, còn không hiểu như thế tức là tu mù tu giả dối vậy, đối với các con vì chưa từng tu tập hồi quang phản chiếu nên giảng khái lược như thế khó hiểu rốt ráo được. Vậy SP cần giảng rõ thêm về hai chữ đắc đạo.
Vô tâm đây cũng gọi là vô niệm, vô là không, tâm là vọng tâm. Vô tâm tức là không vọng tâm mà không vọng tâm tức là chơn tâm. Tại sao ? vì chơn tâm tức là tâm vắng lặng vốn sẵn có, nhưng vì bị vọng tâm che lấp nên không hiển hiện đó thôi. Nếu vọng tâm không sanh thì chơn tâm được hiện tiền. Chơn tâm thì chỉ có một, còn vọng tâm thì nhiều vô số, một niệm tưởng tức là vọng tâm vậy, vọng tâm đây tức là tâm phiền não tham sân si, dứt hết tam độc tham sân si tức là vọng tâm diệt và chơn tâm hiện bày tức đắc đạo.
Tóm lại dứt sạch tam độc tức đắc đạo vậy, tu đạo là diệt tham sân si chớ không có chi là lạ cả.
Đạo cũng gọi là niết bàn.
Đắc đạo tức là đắc niết bàn.
Niết bàn tức là tâm thường tịnh, thường lạc, tịnh hoài không động, vui hoài không khổ đó chính là lý tưởng là cứu cánh là cái đích trên bước đường tu đạo của các con đó, mà chướng ngại trên bước đường thực hiện lý tưởng ấy chính là tham sân si.
- Muốn diệt tham phải trì giới.
- Muốn diệt sân phải nhẫn nhục.
Tham sân diệt thì si cũng không còn, trì giới nhẫn nhục là hai pháp căn bản, ngoài ra các con cần phải tu tất cả các pháp môn phương tiện để trợ duyên tức là tiếp sức thêm cho các con diệt trừ tham sân si như : trì kinh, bái sám, niệm phật, trì chú .v.v...
Vậy trong khi tu tất cả các pháp phương tiện ấy cũng gọi là hành sự tướng, các con phải nhắm mục đích trợ lực diệt trừ tham sân si mà thôi. Có như thế các pháp tu ấy mới đem lại kết quả tốt đẹp cho các con, các con có biết tại sao SP không dạy nhiều cho các con không ? 
vì học giáo lý nhiều các con chỉ thêm loạn tâm rối trí và chẳng những không giúp các con diệt được phiền não, mà còn tăng thêm phiền não nữa, có hiểu như thế các con mới khỏi ngạc nhiên và thắc mắc tại sao SP ít dạy, học nhiều mà không tu không hành cũng hoài công vô ích cả hai kể kẻ dạy lẫn người học. Do đó SP chỉ dạy cho các con những điều thiết yếu nhằm mục đích thực dụng để giúp các con chóng được giải thoát mà thôi.
Trước SP chỉ chổ đến cho các con, kế trao phương tiện để đạt đến cứu cánh ấy vì các con chưa biết bến bờ ở đâu nên SP phải chỉ cho các con thấy rõ rồi sau mới cho thuyền, các con phải ra công bơi chèo thì mới đến bờ được. SP dạy các con tu cả hai đều được lợi ích. SP cũng dạy rõ cho các con biết tại sao SP không cho các con tiếp xúc với kẻ khác, vì hai lý do : Một là để cho các con khỏi duyên theo bên ngoài mà bỏ tu và hai là để các con khỏi mất thanh tịnh vì tranh luận nói pháp.
Nếu các con tiếp xúc thì phải học giáo lý nhiều tức là phải học pháp nói, mà lo học pháp nói thì bỏ pháp tu, suốt đời mất công phu mà không kết quả chi cả.
Vậy các con không tiếp xúc để tâm được chuyên nhứt tu tâm để cho mau đắc đạo, các con không cần bận tâm đối đáp về đạo lý, không cần phải thông suốt về gáo lý kinh điển, hãy ráng tu tất cả các pháp lành rồi tâm khai huệ phát mà tự biết không cần phải nhọc sức học nhiều. Cũng vì lý do đó mà các vị thiền sư không bắt đệ tử phải tham khảo nhiều kinh điển vậy.
Trong lúc tịnh khẩu các con gặp thử thách lướt qua được hay không là do ở công đức tu hành của các con, những chướng ngại trên bước đường tu do ma vương khấy nhiễu đã đành mà lắm khi do chư thiên thử thách nữa. Vậy các con khéo giữ gìn kiểm điểm chớ để sanh tâm 
bất thiện mà tự chiêu lấy hậu quả không hay cho chính bản thân mình mà thôi vậy. Bóng tùy hình, quả theo nhân, đã hiểu được mục đích tôn chỉ của SP từ đây trở đi các con chớ cầu SP dạy nhiều, SP dạy ít mà các con hành nhiều tức là SP đã dạy nhiều rồi đó. Ngược lại SP dạy nhiều mà các con không tu không hành thì hóa ra SP không dạy chi cả, các con phải khá biết cái tịnh khẩu của các con không giống cái tịnh khẩu của kẻ khác ở chổ coi tịnh khẩu là pháp trợ duyên để tu đạo chớ không cho đó là pháp tu đạo.
Tịnh khẩu đối với các con là pháp trợ đạo mà thôi, tự nó không có công đức chi cả và nó sẽ trở thành pháp chướng đạo, nếu sanh tâm trụ chấp ngã mãn cống cao và sanh lòng phiền não không thanh tịnh.
Vậy được công đức,được kết quả hay không là do tâm các con chớ không phải do pháp tịnh khẩu vậy.
Từ khi xuất gia tu cho đến nay SP chưa từng tịnh khẩu ngày nào mà không ngày nào là không tịnh khẩu.

DUY TRÌ CHÁNH PHÁP

Các con có biết thế nào là duy trì chánh pháp không ? Muốn duy trì chánh pháp phải tu giới, định, huệ và lấy tâm làm gốc, lấy tướng làm trợ duyên.
- Định, huệ là tâm.
- Giới là tướng.
Dù thời kỳ chánh pháp hoặc tượng pháp hay mạt pháp đều có thể tu giới định huệ và phải tu giới định huệ mới duy trì được chánh pháp.
- Giới là căn bản, giới là đứng đầu, giới trợ duyên cho định huệ. Không trì giới thì không thể đắc định và phát huệ được. Bởi thế cho nên phật dạy vào biển phật pháp lấy chính tâm làm căn bản, qua sông sanh tử lấy giới luật làm thuyền bè.
- Giới gồm có 2 : Giới tướng thuộc về thân, khẩu hai nghiệp bên ngoài và giới tánh thuộc về tâm, ý nghiệp bên trong.
Vậy muốn đắc định phát huệ tức đắc đạo thì chẳng những phải giữ giới tướng bên ngoài mà còn phải giữ giới tánh bên trong nữa, nghĩa là chẳng những giữ thân khẩu thanh tịnh mà còn phải giữ tâm ý thanh tịnh nữa mới được, tam nghiệp hoàn toàn thanh tịnh thì mới thành tựu được pháp thân thanh tịnh tức là đắc định phát huệ, pháp thân ấy cũng gọi là kim thân tức là thân kim cang bất hoại vì thường trụ bất diệt, các con tu là phát tâm cầu pháp thân thanh tịnh trường tồn bất diệt ấy. Muốn thế phải nhàm chán xác thân bất tịnh vô thường sanh diệt này chớ nên tham cầu ngũ dục, còn tham cầu ngũ dục tức là còn quý trọng và dung dưỡng nô lệ xác thân giả tạm, tham tiền thì bị tiền trói, háo sắc thì bị sắc trói, cầu danh thì bị danh trói, tham cầu thứ chi thì bị thứ ấy trói buộc. Muốn được giải thoát an vui tành tựu diệu trí thường lạc thì đừng tham cầu chi cả, mà chỉ cầu cái tâm vô cầu, vô dục mà thôi, và tâm ấy tức là đạo là niết bàn vậy, ai hiểu như thế và hành đúng như thế tức là duy trì chánh pháp, khiến chánh pháp không bao giờ bị hoại diệt, đó là tôn chỉ, là đường lối của SP, khi xa SP ai hiểu và hành đúng theo đó tức là phục tùng theo tôn chỉ và duy trì đường lối của SP vậy.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

NHỊ MA

Có hai thứ ma phá hoại kẻ tu hành không được thành chánh quả.
Bên trong thì có tam bành đó là : tham, sân, si gọi là nội ma.
Bên ngoài có ngũ quỷ : sắc, thinh, hương, vị, xúc đó là ngoại ma.
Nói chung nội ma là tất cả phiền não vô mjnh lục dục thất tình, trần lao vọng tưởng trong tâm. Còn ngoại ma là tất cả những thử thách cám dỗ, triền phược, chướng ngại bên ngoài.
Khi ngoại ma đến thì nội ma liền ứng khởi gọi là ngoại tiếp nội ứng, hoặc nói cho dễ hiểu là xúc cảnh phân tâm. Tai nghe tiếng chê bai mắng chửi ngoại ma, trong lòng sanh giận hờn bực tức nội ma. Nội ma thì có những tên sau đây thường nhiễu loạn chúng sanh, khiến chúng sanh tạo gây nhiều tội lỗi mà phải đọa trong ác đạo tam đồ : ma tham, ma sân, ma si.
- Ma tham lại gồm có 5 tên : tham tiền, tham sắc, tham danh, tham ăn và tham ngủ.
Vậy muốn được giải thoát thành đạo thì trước phải diệt trừ 5 con ma ấy bằng cách :
1/- không giữ tiền để diệt con ma tham tiền.
2/- giữ tịnh giới, cạo tóc, mặc áo ngoại sắc để diệt con ma háo sắc.
3/- Ẩn tích mai danh, ẩn dật, không khoe khoang, không phô trương để diệt con ma háo danh.
4/- ngày một bữa cơm rau tương đạm bạc đỡ dạ qua ngày để diệt con ma ham ăn.
5/- ngủ ít thức nhiều siêng lo tu niệm để diệt con ma mê ngủ.
Diệt được 5 con ma ấy tức là đã thoát ly được ngũ dục ra khỏi tù ngục thế gian, dứt sạch lòng tham, sau thành chánh quả.
Kế đó phải diệt ma sân thường đốt cháy pháp thân huệ mạng, vì ma sân khắp thân đều là lửa cháy. Vậy muốn diệt nó trước phải lấy nước từ bi diệt tắt lửa, sau mới đem giáp nhẫn nhục phủ lên mình nó thì nó liền hóa ra hiền lành mát mẻ và muốn diệt ma sân trước phải phát tâm từ bi rộng lớn yêu thương tất cả chúng sanh bình đẳng, thương cả kẽ xúc phạm mình chớ đem lòng thù oán, khi có ai mắng chửi mình thì mình sám hối tội ác khẩu cho họ, chú nguyện cho khẩu nghiệp họ luôn luôn được thanh tịnh, kế đó phải tập tánh nhu hòa nhẫn nhục luôn luôn giữ gìn khẩu nghiệp chớ nói những lời thô lỗ cọc cằng mà phải nói những lời thanh mai dịu ngọt dù có gặp điều chi bực tức đến đâu cũng cố nén cố dằn phải ngậm miệng cắn răng chớ để thốt ra những lời hung hăn giận dữ, miệng đã không nói tâm cũng chẳng gim, chẳng tị hiềm, chẳng giận ngầm trong bụng. Phải nhẫn cả thân, khẩu, ý cả trong lẫn ngoài đều phải nhẫn, như thế mới thật là nhẫn, ngược bằng ngoài miệng tuy không nói nhưng để trong bụng chưa phải là nhẫn.
Thân tâm thường nhẫn mới hòa
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chơn tu
Nhẫn thì tâm được hiền nhu
Không nhẫn tâm trí mờ lu não phiền
Muốn luôn giữ vững tâm thiền
Để mau chứng quả hiện tiền chơn như
Ma sân phải kíp diệt trừ
Luôn luôn nhẫn nhục hiền từ thanh bai
Giữ gìn cho đúng chớ sai
Bồ đề ắt sẽ có ngày đơm bông
Có cấy có hưởng có trồng có ăn
Trưởng dưỡng thiện căn ắt gần đạo quả
Các con ghi dạ, hãy khá tuân hành
Chớ khá đua tranh ở ngoài lỗ miệng
Phải lo tu tiến để khỏi đọa đầy
Phải ráng đêm ngày nhớ câu nhẫn nhục
Nhẫn là chơn phúc an lạc thân tâm
Phiền não mê lầm bởi do sân hận
Ai khôn hãy nhẫn hãy nhịn mọi người
Hãy đem nụ cười đỗi cơn giận dữ.

Ma si là con đẻ của ma tham và ma sân, khi đã diệt được hai ma kia thì ma si liền tiêu diệt, mặt nhựt chơn như bừng sáng đạo quả viên thành đem tất cả công đức pháp lành để đọ sanh cứu thế, tu là như thế, như thế mới thực tu, tất cả trí ngu đều thành phật cả.

Nói đến ngoại ma thì kẻ tu hành không thể tiêu diệt được chỉ cần phải lánh xa là được. Bởi vì có gần gủi tiếp xúc với nó thì nội ma mới ứng khởi mà cướp mất các công đức pháp lành trong tâm, xa lánh ngoại ma bằng cách nào, như trên đã chỉ rõ, chỉ có bậc giải thoát mới có thể cư trần bất nhiễm, ngoài ra đều nhiễm cả.

THƯỜNG HÀNH BÌNH ĐẲNG HAY SỰ TU HÀNH THƯỜNG GIỮ BẬC TRUNG

Sự tu hành chớ nên thái quá bất cập tinh tấn không phải là nhiệt hứng nhất thời, mà cốt ở chỗ thường hành bình đẳng, không nên an phận thủ thường mà cũng chớ nên quá tham vọng, cả hai đều không đạt đến đạo, cứ nổ lực phấn đấu với ma nghiệp mà tiến bước đều đều thì mới mong đạt đến đạo, phải trông mong kết quả nhưng đừng quá tham mà sanh phiền não, cần để tâm an trụ trong cảnh lạc thì mới phát huệ được, phải ráng hết sức mình để tiến tu, còn kết quả lâu mau chớ sanh lòng trụ chấp, càng trụ chấp nơi kết quả thì lại càng xa đạo, muốn đến đạo phải vô tâm, vì vô tâm tức là đạo vậy, tại sao thối chuyển trên bước đường tu vì không giữ đúng trung đạo, và lại quá mong cầu và trụ chấp nơi kết quả phải dùng khổ hạnh và khắc kỹ để thắng ma quân phiền não nhưng chớ nên thái quá mà làm khổ thân nhọc xác do đó tâm không an lạc và thêm cái duyên chướng đạo chớ không ích gì, khổ hạnh đúng cách là làm cho cái thân không quá khổ nhọc đến nỗi tâm linh phát sinh phiền não, như thế mới trợ duyên cho sự tu đạo.
Vậy điều cốt yếu là phải giữ mực trung đạo và vô tâm cũng tạm gọi là vô tư để khế hiệp với lẽ tự nhiên tức là hiệp đạo tâm thân liền an lạc và mau phát huệ.
Tóm lại càng mong cầu kết quả thì lại càng lâu kết quả, càng tinh tấn thì lại càng mau thối chuyển. Các con muốn chóng được giải thoát nhưng tự mình lại trói buộc mình chứ không ai trói buộc mình cả, cứu cánh của các con là trí huệ, sự nghiệp muôn đời của các con là trí huệ, do đó muốn gầy dựng đạo nghiệp trước tiên phải giữ tâm an lạc, tâm không an lạc thì tu a tăng kỳ kiếp cũng không bao giờ đắc đạo phát huệ được, huệ ví như ánh mặt trời, còn trí của phàm phu dù thông minh đến tột đĩnh như các nhà thông thái bác học cũng chỉ như ánh sao mờ mà thôi, huệ phá tan phiền não diệt sạch nghiệp chướng tội lỗi, còn thế trí những không làm được như thế mà ngược lại còn gây nhiều tội lỗi và sanh thêm nhiều phiền não nhứt là tăng trưởng thêm lòng tham vọng một trong những mầm sa đọa của chúng sanh.
Vậy các con phải phát tâm dõng mạnh thiết tha mong cầu trí huệ vô lậu, do trì giới nhẫn nhục diệt tham sân si phiền não mà phát sanh trí huệ, các con phải đặt trí huệ ấy lên trên tất cả và hy sinh tất cả cho huệ vô lậu nhịn nhục chịu thua chịu thiệt thòi chịu khổ nhọc .v.v... miễn sao tâm được an lạc đó là bậc trí giả vậy. Đạo nói không cùng tận dù có nghe nhiều mà không thực tu thực hành cũng hoàn toàn vô bổ, muốn mau phát huệ các con phải diệt nghiệp, nghiệp càng mòn thì huệ càng phát.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

DỌN MÌNH ĐỂ THIỀN ĐỊNH

Các con phải kiểm soát kiềm chế có ý thức từ cái đi cái đứng cái nằm cái ngồi, cái ăn cái uống cái tiêu cái tiểu, cái nhìn cái cười cái nói, tức là đi cũng định, đứng cũng định, nằm cũng định, ngồi cũng định, ăn cũng định, uống cũng định, tiêu cũng định, tiểu cũng định, nhìn cũng định, cười cũng định, nói cũng định .v.v... mới mong đạt tới chổ thường định hay đại định, nghĩa là chứng đắc chơn như tam muội hiện tiền.
Một cái liết, một cái nhìn, một cái cười cợt, một cái cử chỉ, một động tác vô ý thức làm cho các con xa lìa chơn như do đó xa đạo mà hiệp với vô minh.
Ngược lại các con giữ đúng từng cái nhỏ nhặt như trên tức là các con thường khế hiệp với chơn như tức là phát sanh trí bát nhã hay là phát huệ cũng thế.
Vậy các con cố gắng thực hành chớ xem thường mà tu khó mong kết quả.
Người biết tu hiểu rõ chơn nghĩa của chữ tu thì lúc nào cũng tu được hết tu từng tưởng niệm từng sát na và lúc nào cũng sáng suốt chụp lấy mọi cơ hội để tu và lợi dụng mọi nghịch cảnh để trui rèn lòng nhẫn nhục cho sớm được thành tựu 6 pháp ba la mật.
Vậy SP muốn các con bất cứ lúc nào bất kỳ ở đâu cũng không bỏ mất giờ tu đều tu được hết, dồn hết kiếp người ngắn ngủi của mình vào một chữ tu, hiến dâng trọn đời mình cho lý tưởng tối cao đó là đắc đạo độ đời, tức lý tưởng 4 Đ, luôn luôn say mê với lý tưởng thường nâng niu ôm ấp nó để thắng tất cả mọi thử thách đưa tới cho mình. Trong các con ai hay có những cái vô ý thức và náo động như cử chỉ khọt khẹt nhíu mày nhăng mặt lím môi tằng hắng rung đùi múa tay .v.v... hãy diệt trừ ngay chớ nên dung dưỡng mà bị ngăn chướng đạo quả và mất oai nghi giảm thần lực không ích chi, đừng để SP bắt gặp những cố tật ấy nữa.

SP DẠY CHÚNG ĐỆ TỬ XUẤT GIA

Kẻ xuất gia mà chẳng cố gắng tu hành buông lung dải đãi phá giới phạm trai, mê say theo ngũ dục những kẻ tu hành như thế ấy đối với tam bảo thì phạm tội phá đạo, đối với thí chủ thì phạm tội ăn trộm, đối với cha mẹ thì phạm tội bất hiếu, đối với quốc vương thì phạm tội bất trung.
Do phạm 4 trọng tội ấy cho nên đến giờ lâm chung ắt bị đọa vào địa ngục trãi qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, khi mãn kiếp địa ngục lại phải đầu thai làm loài súc sanh để đền trả nợ xưa cho người thí chủ hoặc làm ngựa kéo xe làm trâu kéo cày làm chó giữ nhà làm la làm lừa chở chuyên hàng hóa .v.v... trãi qua vô số kiếp mang lông đội sừng để trả nợ cũ, khi hết trả nợ rồi lại sanh ra người hạ tiện tôi tớ cho người thí chủ trước kia, làm việc đầu tắc mặt tối cả ngày mà vẫn bị chủ nhà mắng chửi rầy la đánh đập cho ăn cơm hẩm đồ thừa chịu muôn điều nhục nhã khổ đau, đêm lại chỉ nằm co quanh xó bếp, mùa đông giá lạnh, mùa hạ muỗi mòng mà không đủ mùng mền chăn chiếu, quần áo chẳng kín thân ấy cũng bởi tiền kiếp chẳng lo tu để đền 4 ơn sâu nặng, nương thân dưới bóng từ bi để cầu miếng cơm manh áo, chớ không có tâm cầu đạo giải thoát của Như Lai cho nên đoạn tháng qua ngày bung lung phóng đật. Đệ tử xuất gia cửa phật nào phải là kẻ trốn nợ đời, kẻ xuất gia mà vì trốn nợ đời thì ắt mang nợ đạo, thì tam ác đạo khó lìa. Đi tu là trả hiếu mẹ cha, đi tu là đền ơn tổ quốc, gắng tu cho thành chánh quả đó là người con đại hiếu đối với cha mẹ và đứa con trung thành đối với đất nước. Ngược lại chẳng gắng lo tu thì hóa ra đại bất hiếu đối với song thân và đại bất trung đối với quốc vương. Tại sao thế, vì phàm kẻ đã cắt ái ly gia lìa xa quyến thuộc đem thân nương gửi dưới bóng phật đài thì ngày đêm chỉ một bề chuyên lo tu niệm, không còn lo phụng dưỡng cha mẹ, đối với xã tắc sơn hà xã hội quốc gia cũng không còn góp công giúp ích. Nếu gắng lo tu có đủ đầy công đức thì cứu rỗi được song thân để đền ơn sanh dưỡng, lại đem đạo đức giảng bày khuyến dân tu thiện làm lành lánh ác thì dứt được trộm cướp đao binh đất nước được thái bình dân tình được an cư lạc nghiệp, thế là đã đền đáp được công ơn quốc vương trị an rồi vậy. Nhưng không làm được như thế thì hóa ra kẻ đời cũng không xong, mà đạo cũng không thành, bỏ đời là để tu đạo, đem đạo để độ đời thì cả hai đạo đời đều trọn vẹn, bỏ đời mà không tu đạo thì đời đạo đều bỏ trôi, ruốt cuộc rồi nợ đời đã mang nặng lại còn đèo thêm nợ đạo lại càng nặng thêm.
Nói tóm lại, thà đừng đi tu, ở nhà lo tròn nhơn đạo, còn hơn đi tu bỏ nhơn đạo mà phật đạo cũng không thành
thì địa ngục ngã quỷ súc sanh khó thoát khỏi.
Ai là người có chút lương tri có tâm tàm quí mà không lo không sợ.

LINH DỤNG PHÉP QUÁN TƯỞNG

Thiền sinh khi được trao "phép quán tưởng" tức là lạy vị mình mến tin tưởng tuyệt đối.
Khi đã thâm nhập vị đó, lúc nào cũng thấy hình bóng Ngài ấy. Do đó oan gia không thể nào xâm nhập vào tâm được dễ dàng. Đây là linh dụng cần và rất cần thiết cho thiền sinh tu hạnh tứ thiền để lên siêu thiền, mau biểu lộ minh tâm kiến tánh (chỉ dùng cho thiền sinh).
Ví dụ :
Thiền sinh tin tưởng đến Mẹ hiền Quan Âm hay thầy dạy pháp một cách thâm nhập. Lúc đó chỉ cần niệm danh hiệu hay trực nhớ đến hình bóng sẽ lộ ra ngay trước mặt mà không nhớ đến oan gia.

TAM QUÁN

TAM QUÁN là 3 pháp quán để trừ tam độc : Dâm, Nộ, Si.
Quán bất tịnh để trừ dâm căn.
Quán từ bi để trừ nộ khí.
Quán nhân duyên để giải si mê "si ám".
QUÁN BẤT TỊNH để xem xét những chổ dơ nơi thân. Như lục phủ, ngũ tạng, cửu khiếu toàn thân là những vật nhơ nhớp bất tịnh hôi tanh đáng nhờm gớm, không có một chút gì ưa thích được, nhờ đó mà dứt bỏ được ý muốn nhục dục dâm ô.
QUÁN TỪ BI là xem tất cả chúng sanh như mình không khác, đồng thể xác đại đồng bổn thể chơn như nên thương người như thể thương ta, nhờ đó lìa xa sân nộ, oán thù, ganh ghét.
QUÁN NHÂN DUYÊN tức là suy xét 12 nhân duyên theo 2 chiều thuận nghịch từ vô minh đến sinh lão tử, từ sinh lão tử ngược lại vô minh. Nhờ đó mà giác ngộ chơn lý vạn pháp tùy duyên sanh, không có thực chất, như mộng huyển, như ảo như hóa nên không sanh tâm trụ chấp, không sanh khởi vô minh, không dấy khởi vọng tình. Nhờ đó mà trí huệ phật tánh được hồi sinh, có trí huệ được thông minh sáng suốt (dứt si ám). Nếu hành giả tu thiền mà thấy còn tam độc quá nặng thì nên hành thêm tam quán trên đây để giải trừ tam độc.

Kệ diệu pháp (đốn ngộ)

Nay tâm pháp chuyển thành diệu pháp
Giúp thiền nhi xây tháp kim cang
Cả thân tâm tuyệt đối bình an
Lửa ái dục hoàn toàn tắc lịm.

TAM CHƯỚNG

Tam chướng :
1/- Chấp ngã
2/- Chấp pháp
3/- Chấp không (chấp tướng)
Từ 3 thứ mê chấp đó sanh ra hằng sa mê chấp khác, hành giả chỉ cần tận diệt 3 thứ đó thì dứt  hết mọi mê chấp và hoàn toàn diệt tâm vô minh. Phật tánh lúc bấy giờ được hồi sinh hiện hành viên mãn.
Cho nên có câu :
"Mây tan vần nguyệt rạng
 Nước cạn trái châu bày".
Ba thứ mê chấp ấy gọi chung là tam chướng. Vì hay gây chướng ngại trên bước đường phản bổn hoàn nguyên "phục hồi phật tánh".
Chỉ thẳng cách để diệt trừ vô minh trong thiền tông có một pháp mầu mà chỉ có minh sư mới thủ đắc mà mật truyền cho cao đệ.
Đệ tử ưu tú gọi là "Tâm ấn Như Lai".
Nhưng trước khi mật truyền tâm ấn cho cao đệ, thiền sư thường cho lội qua 6 dòng nước, nhảy qua 7 lò lửa, bay qua 8 bát phong thì mới đủ điều kiện để thọ trì "Tâm Ấn Như Lai" và hoằng khai diệu pháp báo đáp tứ ân, cứu nhân độ thế, phổ tế quần sanh, hoàn thành bi nguyện.
Để trợ duyên pháp tử khỏi bị chìm sâu trong 6 dòng (lục thủy), bị cháy tan trong 7 lò lửa (thất hỏa) và tan xác trong 8 ngọn gió (bát phong).
Thiền sư truyền trao công án cho pháp tử gọi là 2 phao nổi để lội qua lục thủy, đôi thiết hài để nhảy qua thất hỏa và cặp cánh thần để bay qua bát phong.
Lội qua lục thủy thì được lên bờ giác.
Nhảy qua thất hỏa thì được vào nhà giải thoát.
Bay qua bát phong thì được về non niết bàn.
Công án ấy gọi là pháp mầu trợ đạo.
Còn tâm ấn gọi là pháp mầu ngộ đạo.
Sau khi hành giả tu thiền đã đạt đến tứ thiền thì mới được minh sư trao truyền công án, để dọn mình thọ trì tâm ấn như lai diệu pháp.
                                                Trường đồ tri mã lực
                                                Tố cựu biết nhân tâm.

Tam tai là : Thủy tai, hỏa tai, phong tai.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

PHÁP KÝ

THIỀN ĐỊNH
Vào nhà thiền định lấy tín tâm làm nền tảng.
Qua sông sanh tử lấy thiền định làm thuyền bè, cho nên các con phải thận trọng trong khẩu, ý, niệm.
Không một ai sanh niệm mà không trả quả.
KỆ CHUYỂN PHÁP
Pháp mầu chuyển hóa thân tâm
Giác hoa từ đó nẩy mầm lớn khôn
Giúp con hạnh nguyện vuông tròn
Thân tâm an lạc chẳng còn khổ đau.

Sự chuyển hóa ấy bắt đầu từ gốc đến ngọn, vì khi gốc đã chuyển thì ngọn cũng chuyển theo.
Trước hết là nói về chuyển ái dục nguồn gốc của sinh tử luân hồi.
Ái thuộc về tình cảm
Dục thuộc về dục vọng
Tình cảm là thương
Dục vọng là muốn
Trong ngũ uẩn không thể thiếu được hai thứ đó, cũng như sinh vật không thể thiếu được ánh sáng và dưỡng khí, do đó tiêu diệt tình cảm và dục vọng tức là tự sát mà chỉ cần chuyển hóa chúng.
1/- chuyển tình cảm thành từ bi, tức là :
Chuyển thương riêng thành thương chung
Chuyển thương hẹp thành thương rộng
Chuyển thương trói buộc thành thương tự tại
Chuyển thương mù quáng thành thương sáng suốt
Chuyển thương bằng tim thành thương bằng óc
Thì tình thương đó là phúc lạc vui và nguồn giải thoát vô tận cũng gọi là niết bàn.
2/- Chuyển dục vọng thành nguyện lực, tức là :
Chuyển muốn ích kỷ thành muốn lợi tha
Chuyển muốn tự lợi thành muốn lợi sinh
Chuyển muốn dục lạc thành muốn giải thoát
Chuyển muốn luân hồi thành muốn tự tại
Chuyển muốn sanh tử thành niết bàn
Chuyển muốn ô nhiễm thành thanh tịnh
Chuyển muốn thấp hèn thành siêu việt
Chuyển muốn danh, lợi, tình thành định, huệ, bi
Chuyển muốn danh tướng thành vô vi .v.v...
Từ muốn ấy trở thành pháp vị cam lồ ngọt lịm, đánh bại tất cả mọi ham thích về ngũ dục và hành giả tự nhiên ly dục, đạt đến niết bàn thường lạc tự tại, giải thoát.
Tóm lại :
Muốn giải thoát sinh tử luân hồi không nên diệt trừ ái dục chỉ nên chuyển hóa ái dục.

Kế đó nói về chuyển bát thức.
Bát thức nói về tám thức sau đây :
Nhãn thức  : mắt thấy
Nhĩ thức     : tai nghe
Tỷ thức      : mũi ngửi
Thiệt thức   : lưỡi nếm
Thân thức   : thân xúc
Ý thức        : ý thấy, biết
Mạc na thức : Bản năng tự vệ chấp ngã
A Lại Da Thức : cũng gọi là thức hàm tạng hay gọi là tạng thức.
5 thức : nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân gọi chung là tiềm ngũ thức.
Khi hành giả tu thiền đắc pháp tự nhiên chuyển thức vô minh thành tứ trí bồ đề
1- A lại da thức thành Đại viên cảnh trí
2- Mạc na thức thành Bình đẳng tánh trí
3- Ý thức thành Diệu quan sát trí
4- Tiềm ngũ thức thành Sở tác trí
Tứ trí ấy lại chia làm hai :
a- Thật trí : gồm hai trí lại : Đại viên cảnh trí cộng Bình đẳng tánh trí.
b- Quyền trí : gồm hai trí lại : Diệu quan sát trí cộng Sở tác trí.
Đại viên cảnh trí ví như một tấm gương tròn sáng to lớn mà tất cả vạn tướng chiếu trong đó. Trí này có diệu dụng soi sáng vạn pháp.
Bình đẳng tánh trí có diệu dụng giúp hành giả thấy được "tánh không" bình đẳng của vạn pháp, nên không còn biết các pháp đối đãi và dị biệt.
Nhờ đó mà dứt lòng nhơn ngã bĩ thử, đạt đến cứu cánh vô ngã và từ bi hỷ xã viên mãn.
Trí này còn giúp hành giả thành tựu được Nhẫn nhục ba la mật và nhiều hạnh lành khác.
Diệu quan sát trí giúp hành giả phân tích giải thích phán đoán mọi vấn đề một cách tinh vi tường tận nhạy bén sáng suốt.
Nhờ trí này mà hành giả nhận thức về cuộc đời đúng theo chơn lý một cách an vui hạnh phúc.
Thành Sở Tác Trí là mẹ đẻ của thần thông quảng đại biện tài vô ngại phương tiện thiện xảo để nhiều ích chúng sanh hoàn thành bi nguyện.
Trên đây là 2 pháp chuyển hóa quan yếu nhất trong phật pháp mà tất cả hành giả tu thiền cần phải nắm vững quán triệt thì mới tìm ra được con đường trở lại cố hương thì không bị sa lầy lạc hướng./-

Đắc chánh định thành chánh quả
Chánh định : giải thoát
Chánh định : chánh quả
Chánh kiến là nguồn gốc của giải thoát.
Văn tư tu hành.