phat-thich-ca

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

NAM QUỐC SƠN HÀ


   Nam Quốc Sơn Hà
  Tác giả:
Vũ Hoàng
  Nơi gửi:
Sáng Tác Mới
  Nghe nhạc      
  Tư liệu lịch sử liên quan đến ca khúc:

Lý Thường Kiệt với bài thơ “Namquốc sơn hà”

Cuối năm Bính Thìn (1076), nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, tuy đã chủ động chuẩn bị đối phó từ trước, vẫn chống cự một cách rất khó khăn. Giặc tràn xuống bờ Bắc sông Cầu và đội quân tiên phong của chúng đã bước đầu chọc thủng được chiến tuyến Như Nguyệt. Chiến tuyến vỡ, một mảng quan trọng trong niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân sĩ ta cũng theo đó mà tan vỡ. Muốn giành lại được thế chủ động, trước phải đập tan đội quân tiên phong của giặc, mà muốn đập tan đội quân tiên phong này, trước phải tìm cách lấy lại và kích động mạnh mẽ tinh thần của quân sĩ. Nhận rõ điều đó, Lý Thường Kiệt đã bí mật đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hát ở ngay bên bờ sông Cầu, đọc to bài thơ không đề sau đây:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sông núi nước Nam, vua Nam(1) ở
Rành rành ghi rõ ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Binh sĩ nghe lời thơ, tinh thần phấn chấn hẳn lên, ai ai cũng cố sức đánh giặc. Đội quân tiên phong của nhà Tống bị đập tan, chiến tuyến sông Cầu cũng mau chóng được hàn lại. Giặc từ đó bị giam chân ở bờ Bắc sông Cầu, tiến thoái lưỡng nan. Đến đầu năm Đinh Tị (1077), chúng bị Lý Thường Kiệt mở trận quyết chiến chiến lược ở Như Nguyệt, đánh cho tan tành.
Ấy Ià bài thơ không đề, nhưng vì câu mở đầu phiên âm Hán - Việt là Nam quốc sơn hà Nam đế cư  nên người đời thường gọi đó là bài Nam quốc sơn hà, lại cũng vì bài ấy được đọc lên lần đầu tiên ở trong đền thờ Trương Hát nên người đời cũng gọi đó là bài thơ thần.
Lời bàn: Giữa lúc trận mạc hiểm nguy, sống chết cận kề mà vị tổng chỉ huy là Lý Thường Kiệt vẫn ung dung làm được bài thơ tuyệt vời này thì quả là vô cùng đặc biệt. Thơ đã tuyệt mà cách phổ biến thơ lại còn tuyệt hơn. Binh sĩ một lòng tin chắc rằng thần linh sông núi đang đứng về phía họ, sách trời cũng minh chứng cho đại nghĩa của họ, bảo họ không phấn khích làm sao được. Cơ trời huyền diệu, chỉ có thần nhân mới biết được, vậy thì thơ ấy, đọc ở thời điểm ấy, đọc ngay trong đền thờ ấy… tất cả đều hợp lẽ vô cùng. Hậu thế coi đó là bài thơ có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà, kể cũng phải lắm thay.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

(1) Nam Đế: lẽ ra phải dịch là “hoàng đế nước Nam” nhưng đây vì dịch thơ cốt giữ vần điệu nên tạm dịch là Vua Nam. Lý Thường Kiệt viết Nam đế là để khẳng định Nam đếđường đường sánh với Bắc đế (hoàng đế Trung Quốc). Người Việt dùng chữ vua để chỉ cả đế lẫn vương, nhưng theo cách viết của người Trung Quốc (mà xưa ta tiếp nhận) thì đế và vương khác nhau. Đế là ngôi cao nhất (thiên tử) vàvương là bậc sau đế (chư hầu của thiên tử).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét