phat-thich-ca

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

CHÁNH NGHĨA

Chánh nghĩa được xây dựng trên nền tảng chơn lý.
Do đó, muốn có chánh nghĩa trên hết và trước hết phải tôn thờ chơn lý bằng cách luôn luôn tôn trọng sự thật.
Chính sự thật ấy phản ảnh thực tế chánh nghĩa. Chánh nghĩa có một sức mạnh vạn năng. Do đó, nắm chiến thắng cuối cùng.
Trong một cuộc xung đột tranh chấp giữa hai bên, chiến thắng cuối cùng bao giờ cũng thuộc về bên chánh nghĩa.
Trái lại, phi nghĩa hiện thân của ma giáo, chà đạp chơn lý, coi gian dối như là phương tiện lợi khí để giành lấy phần thắng lợi về mình. Do đó, dù có tạm thời đạt được thắng lợi nhưng sự thắng lợi ấy cũng chỉ dọn đường cho cuộc thảm bại trong tương lai mà thôi. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều ấy.
Chánh nghĩa sở dĩ nắm chắc phần thắng lợi trong tay là nhờ sự tin cậy của mọi người. Còn ma giáo mệnh danh chơn lý đội lốt chánh nghĩa dù thắng lợi nhứt thời, sớm muộn gì cũng để lộ chơn tướng phi nghĩa và nhất định cuối cùng sẽ hoàn toàn thất bại vì mất sự tín nhiệm của tha nhân.
Chánh nghĩa nhờ nắm vững được tín tâm của mọi người nên không cần đa ngôn khoác lác.
Chánh nghĩa tôn trọng sự thật nên rất trọng chữ "TÍN". Do đó, uy tín được bảo toàn trong mọi hoàn cảnh.
Khoe mình chê người đó là thủ đoạn của ma giáo để lừa bịp dư luận thiên hạ chỉ có hiệu quả tác dụng nhất thời.
Vu khống để bôi lọ đối phương là dấu hiệu của ma giáo phi nghĩa không còn nghi ngờ gì nữa.
Chánh nghĩa tôn thờ chơn lý như thế nào, thì ma giáo cũng tôn thờ bản ngã như thế đó, cho nên sẵn sàng chà đạp chơn lý để thỏa mãn bản ngã.
Ngược lại có chánh nghĩa thì mới tôn thờ chơn lý và bởi vì phi nghĩa nên không thể nào không chà đạp chơn lý được.
Tóm lại, chơn lý - chánh nghĩa đi đôi, ma giáo - phi nghĩa gắn liền.
Lấy đó để làm tiêu chuẩn xác minh chơn ngụy, chánh tà, thị phi, thắng bại./-

OÁN THÂN

Còn thân thì còn oán.
Hết thân mới tuyệt oán, đạt đến chổ oán thân bình đẳng.
Lại nữa, muốn dứt niệm oán thân, phải tôn thờ chơn lý và tận diệt vô minh, bởi tôn thờ chơn lý nên yêu chuộng chơn lý, ngoài chơn lý ra chẳng thân với ai khác, vì tận diệt vô minh nên thù ghét vô minh. Ngoài vô minh ra chẳng oán ai khác. Nói cách khác oán là oán vô minh, thân là thân chơn lý. Ngoài ra chẳng oán thân ai cả.
Chơn tu thường thân cận minh sư và ngưỡng mộ các bậc siêu nhân vì các ngài hiện thân của chơn lý. Đồng thời không thích gần gủi những hạng giả nhơn vì họ hiện thân của vô minh.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là như thế, hay đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu cũng thế.
Tuy không thích gần gủi giả nhơn nhưng không ghét họ, mà chỉ ghét vô minh của họ mà thôi.
Do đó, khi cần vẫn sẵn sàng giúp đỡ và nếu có nhơn duyên vẫn từ bi tế độ.
Thân cận minh sư vì ngưỡng mộ chơn lý hiện thực nơi ngài, chứ không luyến ái minh sư. Do đó, tuy thường thân cận minh sư mà không bị tình cảm trói buộc. Đối với minh sư xa thì khát tưởng, gần thì kỉnh mộ, chứ không như thế tình, xa thì nhớ nhung phiền não biến diệt, gần thì dể duôi nhàm chán khi thường.
Tóm lại, oán thân là nguồn gốc của oan gia nghiệp chướng phiền não. Muốn cắt đứt oan gia, diệt trừ phiền não nghiệp chướng, trước hết phải ly thân bằng cách độc tôn chơn lý, hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho chơn lý./-

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

ÁI Ố

Ái là ưa, thích, ham.
Ố là ghét, sợ, chán.
Ái ố đưa đến thủ xã.
Cái gì ái thì thủ.
Cái gì ố thì xã.
Thủ là nhận, lấy, giữ.
Xã là bỏ, không nhận, không giữ.
Ái đi đôi với ố.
Thủ đi đôi với xã.
Còn ái ố là còn thủ xã.
Còn thủ xã thì còn lựa chọn.
Mà còn lựa chọn thì còn lo sợ, phiền não, hệ lụy .
Tâm tự tại là tâm bình đẳng, vô tư đối với tất cả các pháp tương đối, không ái ố, không thủ xã, không lựa chọn.
Còn ái ố thì còn động tâm.
Dứt ái ố thì hết động tâm, bát phong ngừng thổi..
Tu tâm trước hết phải tập tâm bình đẳng, tức tâm không ái ố.
Còn ái thì còn ố.
Dứt ái thì hết ố.
Tóm lại, muốn được tự tại phải dứt bỏ ái tâm, kể cả ái tâm đối với tự tại.
Lại nữa, muốn dứt tâm ái ố phải tỏ ngộ lý tương đối của các pháp như : trong thạnh có suy, trong phúc có mầm họa, trong vinh có mầm nhục và ngược lại.
Nhờ đó đối với các pháp tương đối giữ được tâm bình đẳng tức là tâm tự tại vậy./-

THỊ PHI

Thị phi là lẽ phải trái ở đời.
Thị phi lấy gì làm tiêu chuẩn ?
Có thể dựa vào các pháp tương đối sau đây : Chơn với ngụy, chánh với tà, thiện với ác, giác với mê.
Tâm ngôn hạnh chơn chánh, thánh thiện, giác ngộ là thị (tức phải).
Ngược lại ngụy tà, độc ác, si mê là phi (tức trái).
Cũng có thể hiểu theo nghĩa "THỊ" là hợp với chơn lý, "PHI" là trái với chơn lý. Hợp với chơn lý cũng là hợp với đạo, trái với chơn lý cũng là trái với đạo.
Thị phi còn hàm ý khen chê, tức "dư luận". Khen là khen cái phải, chê là chê cái trái.
Tuy nhiên, thị phi không thể lấy dư luận làm tiêu chuẩn, vì dư luận không phải lúc nào cũng đúng với chơn lý.
Vã lại, tâm lý chung của người đời hể cái gì ưa cho là phải, cái gì ghét cho là trái.
Do đó, khen là khen cái mình ưa, chê là chê cái mình ghét. Còn vấn đề phải trái cần phải xét lại theo tinh thần vô tư (không ưa không ghét) và hoàn toàn khách quan (không cố chấp) thì mới khả dĩ đúng với chơn lý./-

TÀ CHÁNH

Ngôn hạnh tà hay chánh là do tâm.
Tâm chánh thì tất cả ngôn hạnh đều chơn chánh.
Tâm tà thì dù ngôn hạnh có vẽ chơn chánh đến đâu cũng hóa ra tà ngụy .
Chỉ có tâm mới xác định được chánh tà, chơn ngụy, chứ không thể căn cứ nơi ngôn hạnh.
Do đó, tâm chánh ngôn tà thì tà hóa chánh. Tâm tà ngôn chánh thì chánh hóa tà.
Hoặc giả tâm chánh hạnh tà thì tà hóa chánh. Tâm tà hạnh chánh thì chánh hóa tà.
Tóm lại, ngôn hạnh chánh hay tà là do chỗ dụng tâm của hành giả.
Tâm chánh là tâm giác ngộ, từ bi, thanh tịnh.
Tâm tà là tâm tham dục, sân si, nhơn ngã.
Vậy, hành giả có thể thành thật, có thể nghiệm xét thân mình mà biết được ngôn hạnh của mình tà hay chánh.
Còn nơi kẻ khác thì chỉ có thời gian và thực tế mới hắc bạch phân minh./-

ĐẠO SI

Vì thức thời, vì giác ngộ, vì từ bi mà giả ngu, giả dại, giả điên khùng, giả say, giả điếc, giả câm... gọi là "Đạo si" tức là cái "si" xuất phát từ tâm đạo.
Đạo si ấy cũng gọi là si giác, hoàn toàn khác hẵn với si mê.
Ẩn sĩ mượn "Đạo si" để che mắt thế gian, hành trì mật hạnh, giả dại qua ải, lòn trôn tùy thời.
Cũng đồng là si mà cái "si" xuất phát từ tâm địa vô minh gọi là si mê, còn cái "si" bắt nguồn từ tâm giác ngộ gọi là "si giác".
Mê là đời.
Giác là đạo.
Do đó, si mê là cái si của người đời, còn si giác là cái si của đạo nhân.
Đời - Đạo rõ ràng cũng dễ phân biệt vậy./-

ĐẠO TÌNH

Cũng đồng là tình thương mà xuất phát từ tâm đạo gọi là đạo tình, còn xuất phát từ tâm đời gọi là thế tình hay tình đời.
Vậy tình thương tự nó không có gì cả, nó tốt hay xấu thuộc đạo hay đời là do tâm.
Nếu nó xuất phát từ tâm luyến ái, ích kỷ, vụ lợi thì nó thuộc về đời.
Nếu nó xuất phát từ tâm giác ngộ, từ bi, vị tha thì đó thuộc đạo.
Đạo tình đưa tới giải thoát, an vui, hạnh phúc, chơn thật.
Tình đời đưa tới hệ lụy phiền não, khổ đau trói buộc.
Do đó, trên bước đường học đạo, đạo tình trợ duyên đắc lực như thế nào thì tình đời cũng là chướng duyên nguy hại như thế đó.
Đạo tình có hai : Đạo tình thầy trò và đạo tình huynh đệ đồng đạo, đồng môn. Cả hai đều có công năng tác dụng trợ duyên đắc lực cho hành giả trên bước đường học đạo.
Đạo tình cũng phân ra 2 loại : Đạo tình chơn thật thuần túy và đạo tình đội lốt ngụy trang, giả hiệu do tình đời lồng vào.
Loại đạo tình xuất phát từ chủng tử nam nữ luyến ái và đồng phái luyến ái là thứ đạo tình đội lốt kể trên.
Do đó, huynh đệ đồng môn khác phái nên giữ "biệt giới" để đề phòng thứ đạo tình giả danh ấy, đồng thời cũng nên đề cao cảnh giác trường hợp đồng phái luyến ái gọi là  "tình lân".
Cả hai đều chướng đạo như nhau.
Đạo tình và tình đời không thể đồng thời thực hiện và tồn tại trong một tâm.
Do đó, đạo tình chỉ được phát huy thể hiện trọn vẹn khi nào dứt sạch tình đời, chính tình đời đã giết chết che lấp đạo tình sư môn và huynh đệ.
Vậy muốn phát huy đạo tình trước hết phải đoạn tuyệt tình đời từ ngoài tướng lẫn trong tâm.
Khi tình đời dứt sạch thì đạo tình mới hiện hành viên mãn trong tâm./-

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

ĐẠO ĐỜI

Đạo và đời chỉ khác nhau do tâm chớ không do tướng.
Tướng đời mà tâm đạo gọi là Đời - Đạo.
Tướng đạo mà tâm đời gọi là Đạo - Đời.
Tâm đạo là tâm giác ngộ, từ bi, thanh tịnh.
Tướng đạo là tu hành, ăn chay, niệm phật, tụng kinh, thế phái, xuất gia, nâu sòng, khổ hạnh.
Tướng đời là hòa quang hỗn tạp, nhập thế hòa đồng.
Tâm đời là tâm tham sân si, tâm đời ấy cũng gọi là "lòng trần".
Tất cả ngôn hạnh thuộc đời hay đạo là do chổ dụng tâm chứ không do danh tướng (danh từ và hình tướng).
Thí dụ : cũng đồng thời nổi sân, nếu nổi sân do lòng tự ái hay vì bản ngã thì đó thuộc sân đời tức sân si. Nhược bằng nổi sân do lòng từ bi hay vì chơn lý thì đó thuộc sân đạo tức đạo nộ.
Tướng đời tâm đạo tức chơn tu mật hạnh.
Tướng đạo tâm đời là ma giáo phá hoại.
Kẻ tôn thờ chơn lý không bao giờ chấp nhận ma giáo mượn đạo tạo đời để phá đạo hại đời./-

CHƠN TÁNH

Chơn Thiện Mỹ là 3 thành phần của chơn lý, trong đó Chơn là nền của Thiện, là gốc của Mỹ, hay nói cách khác có giữ bản tánh chơn thật mới được tâm hạnh thiện mỹ.
Vậy muốn thể nhập chơn lý để thành tựu tâm hạnh toàn thiện, toàn mỹ, trước hết phải thành thật chẳng những trong hành vi ngôn ngữ mà còn phải thành thật cả trong tư tưởng nữa. Khó nhất là thành thật trong tư tưởng tức là thành thật đối với mình, với người và các đấng thiêng liêng vô hình.
Muốn thành thật trong tư tưởng hãy thành thật đối với chính mình trước hết, đừng tự quan trọng hóa hoặc đề cao bản ngã ham chuộng hư danh, mơ mộng viễn vong, sống xa thực tế là đi ngược lại với chơn lý.
Điều tối ư quan trọng là phải thường xuyên "Tự giác bản ngã hiện hành", tức là cái "Ta vô minh" hiện tiền từng sát na.
Chớ thấy ta hay, ta giỏi, ta tốt, ta phải, ta khôn, ta cao mà chỉ nhìn thẳng vào cái "ta vô minh" gàn dở, ngu si, bần tiện, xấu sa, sai quấy, tội lỗi, thấp kém.
Chơn lý dạy cho ta biết rằng :
Thấy mình dở tức đã có phần hay hơn.
Thấy mình ngu tức đã có phần khôn hơn.
Thấy mình quấy tức đã có phần phải hơn.
Thấy mình thấp tức đã có phần cao hơn.
và ngược lại :
Thấy mình hay tức đã không còn hay nữa.
Thấy mình khôn tức đã không còn khôn nữa.
Thấy mình phải tức đã không còn phải nữa.
Thấy mình cao tức đã không còn cao nữa.
Tất cả chỉ vì vô minh chấp ngã.
Cuối cùng muốn thành thật đối với mình, với người, với các đấng thiêng liêng vô hình phải tuyệt dối trung thành với lời nguyền trước thiêng liêng, thà cam mất mạng chớ không bao giờ vi phạm./-

CHƠN NGÃ

Bản ngã là cái "TA" vô minh, ngược lại cái "TA" giác ngộ gọi là chơn ngã hay vô ngã.
Bản ngã được cấu tạo bởi 3 nhân tố :
1- Nhơn ngã
2- Ngã sở
3- Ngã ái
NHƠN NGÃ : là tâm phân biệt người với ta, từ tâm phân biệt ấy xuất phát tâm ganh ghét kẻ hơn mình và lòng khinh mạn kẻ kém mình.
NGÃ SỞ : là tâm chấp thủ vật sở hữu, tức tất cả những thứ gì thuộc "của ta" từ tâm ấy phát sanh lòng cạnh tranh, chiếm hữu, tham cầu, luyến tiếc, dính mắc, phiền trược.
NGÃ ÁI : là "yêu ta", "quý ta" từ tâm ấy phát ra tự ái, tủi thân, tự tôn, tự đại, tự ti, mặc cảm.

+ Muốn đạt đến cứu cánh vô ngã để phục hồi chơn ngã, hành giả phải tận diệt ba thành phần của bản ngã kể trên.
+ Muốn diệt lòng nhơn ngã hãy tu tâm bình đẳng.
+ Muốn diệt trừ tâm ngã sở hãy tu tâm đại xã.
+ Muốn diệt lòng ngã ái hãy tu tâm từ bi.

KHỐI YÊU CỦA "O"

Tôi có tình yêu rất đậm đà
Yêu đời yêu lẫn cả oan gia
Tình yêu bình đẳng không phân biệt
Giai cấp nữ nam với trẻ già
Trẻ già nam nữ muốn được yêu
Thì trong tâm trí phải xoay chiều
Hướng về đạo pháp cùng sanh chúng
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

TỨ DIỆU ĐẾ

Chơn lý đầu tiên là khổ đế
Dẩy đầy nổi khổ cõi trần gian
Sanh già bệnh chết thêm phiền não
Nước mắt nhơn sanh bốn biển tràn.
                
Chơn lý thứ hai là tập đế
Nguyên nhân ái dục đắm phù hoa
Mê danh mê lợi tình hư ảo
Trôi nổi triền miên cõi ái hà.

Chơn lý thứ ba là diệt đế
Diệt trừ bản ngã phá vô minh
Niết bàn vắng lặng không phiền não
Bặt nẻo luân hồi dứt tử sinh.

Chơn lý thứ tư là đạo đế
Con đường bát chánh tuyệt cao siêu
Nhãn quang mở rộng tầm tri kiến
Tứ quả lần hồi đến mục tiêu.

Tứ diệu đế nghe vừa xong
Tâm trí được khai thông
Từ đây đường tu được thành công
Nhờ thực hiện con đường trung đạo
Giác hoa nẩy mầm
Không còn mê lầm.



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TỊNH TÂM

Nghiệp do tâm khởi tâm sanh
Hể tâm thanh tịnh nghiệp thành ra không
Khi ấy phật pháp dung thông
Không còn mê muội ruổi dong vọng trần
Xem thường thế sự phù vân
Viễn ly phiền não tham sân mê lầm
Dẫu không ẩn dật sơn lâm
Đạo tâm vẫn được nẩy mầm giác hoa
Sống trong cõi tạm ta bà
Thân tâm siêu thoát như là tây phương./-

TU TÂM

Tâm là cội gốc pháp lành
Giữ tâm thanh tịnh viên thành đạo chơn
Dẫu không ẩn dật lâm sơn
Cư trần bất nhiễm quý hơn ở chùa
Sự đời chẳng nhọc ganh đua
An bần thủ đạo làm vua không bằng
Dẫu không xã tục vi tăng
Thiền dục tri túc thường gần như lai
Mặc ai tham nhiễm sắc tài
Mặc ai danh lợi tháng ngày ruỗi dong
Các con hằng giờ tâm không
Từ bi rộng mở thong dong an nhàn
Trần gian thành cảnh niết bàn
Nhà đời thành chốn đạo tràng thanh lương./-

VÔ NGÃ

Trăng lu vì bởi áng mây
Tâm đăng mờ tối bởi hay thấy mình
Vô minh, lục dục, thất tình
Chỉ do chấp ngã phát sinh không ngừng
Tâm đăng muốn được sáng bừng
Cái "TA" vứt bỏ chứ cưng chớ chiều
Càng cưng chiều nó bao nhiêu
Ta càng phải chịu chuốc nhiều khổ đau
Hằng hà phiền não trần lao
Không "TA" thì chúng chẳng vào được tâm
Dù nghe diệu pháp thậm thâm
"Chấp ta" chư phật muôn năm xa lìa
"Chấp ta" nên thấy đây, kìa
Cạnh tranh hơn kém phân chia mình người
Được khen thì nở nụ cười
Nghe chê rủ riệt như người đau ban
Ai người muốn nhập niết bàn
Chỉ cần vô ngã, đạo tràng thường cư
Chẳng cần nương mái thảo lư
Chỉ cần ban rãi lòng từ vô biên
Xa lìa vọng tưởng đảo điên
Huệ nhựt thường chiếu, đài liên thường ngồi
Dù cho cội phước vun bồi
Cái "TA" chẳng bỏ, đâm chồi vô minh
Dù năng bái sám trì kinh
Cái "TA" chẳng bỏ, tánh linh lu mờ
Muốn mau tỏ ngộ thiền cơ
Quên thân vì đạo, khỏi nhờ Minh sư
Cái "TA" ôm chặt khư khư
Dù cho gặp được Minh sư bị cười./-

TÂM tức ĐẠO - ĐẠO tức TÂM

TÂM :      VỌNG TÂM   và   CHƠN TÂM.

TẬP KHÍ : là do ngũ uẩn  tạo nên, do đó tập khí là con đẻ của ngũ uẩn (thân, khẩu, ý).
1- Muốn dứt cái gốc tham, sân, si cần phải dứt trừ lòng ái ố. Khi dứt được ái ố, thì tự tại đối với các pháp.
2- Muốn diệt trừ tập khí phải có quyết tâm và nghị lực rèn luyện chuyên cần ly dục, ngăn ác pháp, ly ác pháp, hành thiện pháp, tăng trưởng thiện pháp. Khi diệt trừ hết tập khí thì linh giác tuệ giác được phát huy đúng mức.
- Nghiệp lực là cây.
- Tập khí là hột giống.
Nếu hột giống ta không gieo thì làm gì có cây mọc lên.
Cũng như ý nghĩ và hành động sai quấy nhiều đời, nhiều kiếp đã gây tạo ra thì nghiệp lực cũng do đó mà có, do đó nghiệp lực là do tập khí gây ra.

KHẮC KỶ : là bước đầu để điều phục xác thân. Khi đã điều phục được xác thân rồi thì khôi phục được chủ quyền thiêng liêng thống trị bản ngã.

THIỀN ĐẠO là kỹ thuật nắm chốp chày để gồm thâu vạn pháp

DIỆU LỰC : - Định lực là pháp thân (Định)
                     - Bát nhã là báo thân (Huệ)
                     - Từ bi là hóa thân (Bi)

ĐỊNH LỰC : phát ra huệ lực là ánh sáng để soi rõ sự vô minh, sai quấy của chính mình và chúng sanh.

TỪ LỰC : là từ bi hồi sinh phật tánh. Trên con đường tìm đạo có đủ ma chướng cản đường, do đó ta phải tiên kiến và chấp nhận đi tìm sóng gió, thử thách, khảo đảo đó là đi tìm đạo.

KIẾN TÁNH : là dục không sanh chớ không phải đè nén.

CHƠN TÂM : là tâm thanh tịnh, tâm giác ngộ, tâm từ bi xa lìa tất cả dục lạc thế gian.

NHIẾP TÂM : là một tâm pháp để trợ duyên cho thiền sinh tu thiền mau đắc pháp từ sơ thiền đến tứ thiền, hành giả thường dùng pháp nhiếp tâm để trợ thiền. Trong lúc nhiếp tâm hành giả trụ tâm một chỗ không để phóng tâm, phân tâm, tán tâm, loạn tâm. Nhờ đó mà tâm được thanh tịnh (định). Muốn nhiếp tâm phải hành những pháp sau đây :
- Tịnh mục : nhắm mắt hay ngó xuống hoặc nhìn thẳng vào một điểm duy nhất.
- Tịnh khẩu : không nói.
- Tịnh thân : bất động.
- Tịnh niệm : cũng gọi là tịnh tâm tịnh ý.
Nhờ nhiếp tâm thường xuyên nên thiền sinh lúc nào cũng làm chủ tâm mình không bị ngoại cảnh chi phối và nhất là không bị vô minh sai sử nghĩ nói làm những điều tội lỗi. Do đó tam nghiệp : Thân, khẩu, ý được trọn lành thanh tịnh.

 NHỨT TÂM : là để tâm chuyên nhứt vào một đối tượng. Nhứt tâm cũng còn gọi là tập trung tinh thần hay còn gọi là tập trung tư tưởng.

PHÂN TÂM : Trái với nhứt tâm là phân tâm, cũng gọi là tán tâm, loạn tâm, phóng tâm .v.v...

TÂM KHÔNG : tâm không tức là tâm không vọng tưởng, không phiền não, không vô minh cũng gọi là vô tâm. Tâm ấy lúc nào cũng thanh tịnh cho nên gọi là chơn tâm. Chính đó là bổn nguyện của tất cả chúng sanh phải quay về. Do đó cũng gọi là cố hương hay nguyên quán. Tâm ấy lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc an vui, cho nên cũng gọi là tây phương cực lạc. Tâm ấy cũng không bao giờ sanh diệt cho nên cũng gọi là niết bàn vô sanh. Khi hành giả chứng ngộ siêu thiền là đạt đến tâm không ấy cũng gọi là đắc pháp hay minh tâm kiến tánh hoặc phản bổn hoàn nguyên cũng gọi là vãng sanh cực lạc (siêu sanh tịnh độ). Lúc bấy giờ hành giả không còn sợ chết nữa vì đã siêu sanh liễu tử.

VÔ TÂM : vẫn thấy nghe hay biết tất cả mà tâm không động (không sợ, không giận, không mừng, không thích...) gọi là vô tâm. Vô tâm ấy cũng gọi là thiền tâm, cũng gọi là chơn tâm hay tâm phật.

PHẬT BỔN VÔ TÂM - ĐẠO BỔN VÔ NGÔN là thế./-

Cư sĩ hỏi :
Bộc bạch đôi lời thỉnh ý ông
Có phải nơi đây cửa đại đồng
Từ bi giác ngạn còn đau khổ
Có biết bao giờ đến cửa không.

Tôn sư đáp :
Tự mình vốn thiệt chủ nhơn ông
Đạo bổn vô ngôn tức đại đồng
Từ bi oai độ điều sanh chúng
Nhơn ngã không còn tức cửa không.

CHÂM NGÔN

Nhẫn, nhẫn, nhẫn
Trái chủ oan gia tùng thử tận
Nhiêu, nhiêu, nhiêu
Thiên tai vạn họa nhất tề tiêu
Mặc, mặc, mặc
Vô hạn thần tiên tùng thử đắc
Hưu, hưu, hưu
Cái thế công danh bất tự do.
Nghĩa là :
Thân, miệng, tâm đều nhẫn
Thì những điều trái chủ oan gia từ đây dứt sạch
Thân, miệng, tâm đều nhịn
Thì ngàn tai muôn họa đồng thời tiêu
Thân, miệng, tâm đều nín
Thì cảnh giới thần tiên vô hạn cũng do đây mà được
Thân, miệng, tâm đều thôi
Thì những công danh cái thế không còn tự do.